Chương trình OCOP góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương

Cập nhật 07/8/2023, 07:08:41

Những năm gần đây, Chương trình OCOP triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Ia Grai nói riêng đã từng bước tạo dựng niềm tin về chất lượng và góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đặc sản của địa phương. Đó cũng là động lực để các chủ thể tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Cá cơm khô là một loại đặc sản gắn liền với dòng sông Sê San 4, ở xã Ia O, huyện Ia Grai. Cá cơm sông nhỏ hơn cá cơm biển, chiều dài khoảng 3 – 4cm, có thân mình trắng trong, phần bụng trắng đục như hạt cơm. Cá cơm sử dụng ngay khi còn tươi, nhưng vì cá cơm khi đã đánh bắt lên khỏi mặt nước rất nhanh bị ươn nên thông thường người ta đem phơi ngay để cất giữ được lâu và dễ dàng vận chuyển đi các nơi, nên các món ăn phổ biến từ cá cơm sông thường là chế biến từ món cá khô. Sản lượng cá cơm ở đây dồi dào, giúp những người chuyên đánh bắt cá cơm có thêm nguồn thu nhập. Với mong muốn nâng cao giá trị kinh tế, hướng đến xuất khẩu, Hợp tác xã Du lịch Nhân Phú đã liên kết với người dân để xây dựng cá cơm khô thành sản phẩm OCOP trong năm 2023.

Ông Lý Nhân Phú – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Nhân Phú, xã Ia O, huyện Ia Grai cho biết: “Hiện tại ở Gia Lai đây là khu du lịch sông nước đầu tiên đang hình thành và mình đang xây dựng mô hình du lịch sinh thái, song song với đó là kết hợp những sản phẩm đặc trưng của tỉnh và khu vực sông nước này. Ví dụ sản phẩm cá cơm, cá cơm hợp tác xã mình đang thu mua của người dân trong hợp tác xã và người dân trong làng chài để sử dụng nguồn cá cơm sạch và tự nhiên làm ra sản phẩm đạt chuẩn OCOP để xuất khẩu và phân phối cho người dân ở Việt Nam mình.”

Không chỉ với sản phẩm cá khô, trong năm 2023, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 705 đứng chân trên địa bàn xã Ia Krăi, huyện Ia Grai cũng đã đăng ký 04 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP gồm: Cà phê, chôm chôm, mít Thái và bưởi. Đơn vị đang dần hoàn thiện sản phẩm theo quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; mẫu mã, bao bì thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường theo các tiêu chí.

Ông Luyện Huy Toàn – Đội trưởng Đội 2, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 705, huyện Ia Grai trao đổi: “Hiện tại thì Công ty đang phối hợp với các Sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng các sản phẩm của Công ty như mít, chôm chôm, bưởi, cà phê. Đang phối hợp với các phòng ban làm các giấy chứng nhận liên quan đến các nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc và các quy định của sản phẩm OCOP. Mong muốn làm sao tới đây tạo được đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập và có thêm việc làm cho người dân địa phương.”

Thực hiện Chương trình OCOP, đến cuối năm 2022, toàn huyện Ia Grai có 14 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm đạt 4 sao. Trong năm 2023, huyện có 8 chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Để Chương trình OCOP mang lại hiệu quả, huyện đã tổ chức tập huấn, tư vấn phát triển, nâng cấp sản phẩm cho các chủ thể tham gia về bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm,… Đồng thời, với sự nỗ lực của các chủ thể trong việc lựa chọn, phát triển sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn sạch, chất lượng, an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.

Thúy Diện – R’Piên


Lượt xem: 12

Trả lời