Chương trình giáo dục địa phương: Học sinh hiểu và thêm yêu quê hương

Cập nhật 27/10/2023, 06:10:54

Cùng với các môn học khác, việc đưa tài liệu giáo dục địa phương (GDĐP) vào giảng dạy trong các trường học, cấp học trên địa bàn tỉnh Gia Lai có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa; giáo dục những giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho học sinh; đồng thời tăng cường khả năng lồng ghép, tích hợp kiến thức của giáo viên. Tùy theo từng cấp học, nội dung tài liệu GDĐP được xây dựng phù hợp, đáp ứng yêu cầu tìm hiểu và vận dụng của học sinh.

Mặc dù chưa có bộ sách giáo khoa riêng dành cho môn học giáo dục địa phương (GDDP) cho các em học sinh khối tiểu học, tuy nhiên với mục đích giúp các em hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán, ẩm thực của dân tộc, đặc sản của địa phương,.. các thầy cô giáo của Trường Tiểu học Lê Lai, Tp. Pleiku đang nỗ lực tích hợp môn học này với một số môn học khác như Lịch sử – Địa lý, tập đọc.

Cô giáo Nguyễn Thị Diễm Kiều – Trường Tiểu học Lê Lai, xã Chư Á, TP. Pleiku nói: “Thông qua giáo dục phổ thông 2018 để đáp ứng năng lực và phẩm chất cho học sinh giáo viên đã thực hiện theo hướng dẫn của nhà trường là lồng ghép giáo dục địa phương, theo đó đã lồng ghép rất nhiều nội dung hay và đặc sắc như văn hóa ẩm thực, cảnh quan thiên nhiên để giới thiệu đến các em học sinh và t hông qua đó để thể hiện giúp các em có tình yêu quê hương đất nước và biết giữ ghìn bản sắc dân tộc ở quê hương của mình.

Em Ra Lan H’Lê Nai – HS lớp 3/3, Trường Tiểu học Lê Lai, xã Chư Á, TP. Pleiku bày tỏ: “Quê hương em có nhiều cảnh đẹp, có Biển Hồ; có ẩm thực cơm lam, gà nướng, có Lễ hội Công chiêng Tây Nguyên.”

Việc dạy tích hợp môn học GDDP cùng với một số môn học khác tại Trường Tiểu học Lê Lai, Tp. Pleiku bên cạnh những thuận lợi là hầu hết học sinh là người DTTS nên cơ bản các em đã nắm bắt được văn hóa, phong tục của dân tộc mình, tuy nhiên nhà trường đang  gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Thầy giáo Lê Minh Tùng – Trường Tiểu học Lê Lai, xã Chư Á, TP. Pleiku nói: “Khó khăn trong giáo dục tích hợp là do vốn tiếng Việt của các em còn yếu  nên trong quá trình giảng dạy các em cũng chưa nắm rõ được các kỹ năng; đồng thời đối với nhà trường hiện nay vẫn chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm, khó khăn là nguồn kinh phí chưa có. Thật ra giáo dục tích hợp địa phương này cho các em trải nghiệm như gà nướng, cơm lam mình cho các em tới ngay khu vực làm đó thì các em nắm sẽ rõ hay là khu vực làm rượu cần…”

Trong khi dạy các em học sinh tiểu học ở môn học địa phương giáo viên phải tích hợp cùng với nhiều môn học khác thì ở bậc THCS, giáo viên thuận lợi hơn là dạy theo bộ sách đã được biên soạn nên học sinh cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận kiến thức bài giảng.

Cô giáo Lê Thị Hà – Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku cho biết: “Ngoài việc học sinh học các môn chính thì môn GDDP có tầm quan trọng đối với các em, qua đây các em sẽ so sánh và nắm được giữa kiến thức địa phương  và kiến thức văn hóa của dân tộc. Từ việc học kiến thức địa phương thì các em sẽ hoàn thiện phát triển phẩm chất và năng lực của mình///Qua đây các em cũng sẽ tuyên truyền được với mọi người xung quanh về bản sắc, văn hóa dân tộc địa phương mình. Về thuận lợi đối với chương trình giáo dục địa phương này qua tập huấn tôi thấy với chương trình thực nghiệm ở trên lớp hình ảnh cũng như kiến thức rất là sống động, hình ảnh rất là rõ nét, nguồn tư liệu rất là phong phú, với sự quan tâm của các ngành thì nguồn tư liệu chuyển về rất là kịp thời.”

Em Cao Ngọc Hân – Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku chia sẻ: “Về ẩm thực Gia Lai có rất nhiều món như cơm lam, gà nướng, phở khô, cà phê, trong đó cơm lam gà nướng để ấn tượng sâu trong lòng của em và những du khách. Về danh lam thắng cảnh có rất nhiều như Biển Hồ, Quảng trường Đại Đoàn Kết, Núi lửa Chư Đang Ya, trong đó Biển Hồ được xem là biểu tượng đặc trưng của Gia Lai với mặt hồ xanh và đàn cò đang bay lượn, có hàng cây xanh mát. Khách du lịch có thể đi bộ xung quanh để ngắm cảnh và thưởng thức món ẩm thực của Gia Lai.”

Một dân tộc phát triển là một dân tộc biết gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử. Muốn làm được điều đó thì công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ rất cần thiết. Đây cũng là hoạt động góp phần giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, từ đó đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa” trong học sinh. Bởi vậy, mục tiêu quan trọng của chương trình GDDP  là hình thành, nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào gắn bó với quê hương, qua đó giúp học sinh có kỹ năng trong việc định hướng và phát triển tư duy nghề nghiệp.

Lệ Xuân – Duy Linh

 


Lượt xem: 14

Trả lời