Chung tay phòng chống bạo lực gia đình

Cập nhật 28/6/2018, 14:06:07

 Bạo lực gia đình đã và đang gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm, tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Trước thực tế này, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh  đã phối hợp triển khai thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nhằm góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm của mỗi người và là cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách cho con trẻ. Vì vậy mà gia đình anh Lê Hồng Hạnh, Tổ dân phố 16, phường Yên Thế, thành phố Pleiku luôn cố gắng xây dựng cuộc sống đầm ấm, hòa thuận để làm gương cho các con. Những công việc trong gia đình luôn được trao đổi, bàn bạc để thống nhất ý kiến, hạn chế những mâu thuẫn vợ chồng. Anh thường xuyên quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ vợ trong công việc nhà và chỉ bảo con cái học tập.

Anh  Hạnh cho biết: “Đã là một người chồng, một người cha trong gia đình, mình phải là một tấm gương để vợ nhìn thấy, con nhìn thấy, mọi việc là vợ chồng phải hòa thuận để con nhìn thấy noi gương, học tập làm theo. Vợ có một công việc công tác xã hội nên, thời gian thất thường, vì vậy công việc lặt vặt, cơm nước trong gia đình thì mình cũng làm chút việc, xây dựng hạnh phúc gia đình.”

Để giảm thiểu bạo lực gia đình không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình mà là sự chung tay của toàn xã hội. Theo điều tra của các ngành chức năng, điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn là một trong những nguyên nhân phát sinh bạo lực gia đình. Vì vậy, ở nhiều địa phương các ban ngành, đoàn thể đã có những chương trình hỗ trợ tạo mô hình sinh kế để các gia đình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ các nguồn hỗ trợ, một số gia đình đã được tặng bò, tặng nhà tình nghĩa, tạo điều kiện vay vốn để làm ăn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, giảm bớt áp lực về vật chất hạn chế mâu thuẫn trong gia đình.

Chị Anglin, làng Brông, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah nói: “Trước nhà mình khó khăn, chồng mình nhiều khi uống rượu say về đánh đuổi mẹ con ra khỏi nhà nhưng nay hòa thuận rồi. Gia đình mình còn được tạo điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Mình rất cảm ơn.”

Song song với các chương trình hỗ trợ, các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp thành lập mô hình “Điạ chỉ tin cậy” dựa vào những người có uy tín trong cộng đồng để tiếp nhận, hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho nạn nhân của bạo lực gia đình. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và mỗi người dân trong công công tác phòng chống bạo lực gia đình. Qua 5 năm (2013 – 2018) thực hiện, toàn tỉnh đã có 1.112 mô hình “Địa chỉ tin cậy”, trong đó có 391 địa chỉ tập thể và 721 địa chỉ cá nhân.

Bà Vũ Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết: “Các địa chỉ tin cậy này đều được tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng tiếp nhận, tư vấn cho nạn nhân bị bạo hành và tham gia tập huấn về Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới để hỗ trợ các nạn nhân.”

Thông qua những việc làm cụ thể của cả cộng đồng đã góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình. Đồng thời, kêu gọi mỗi người dân cần có những hành động thiết thực hơn để xóa bỏ bất bình đẳng giới và giảm thiểu bạo lực gia đình.

Thúy Diện, Minh Trung

 


Lượt xem: 66

Trả lời