Chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Cập nhật 01/6/2022, 07:06:53

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Với nhiều giải pháp thiết thực, bằng sự chung tay tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Gia Lai những năm qua đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; tạo điều kiện và cơ hội cho sự phát triển của trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần nuôi dưỡng những mầm non ngày càng phát triển.

Bao nhiêu năm nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai là nơi nuôi dưỡng những số phận, những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh như thế này. Thiếu đi tình thương của những người cha, người mẹ; vì vậy với các em, Trung tâm là mái ấm gia đình và những cán bộ, nhân viên nơi đây cũng như người thân, ruột thịt.

Chị Nguyễn Thị Sông Thương – Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh chô biết: “Ở đây chứng kiến và tận tay chăm sóc những đứa trẻ như thế này thì bản thân thấy đồng cảm cho số phận của các em. Các em sinh ra vốn đã không may mắn và chỉ mong sao có thể giúp được nhiều hơn cho các em, mong các em mỗi ngày một lớn sẽ khỏe mạnh hơn”.

Bà Tạ Thị Anh Đào – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cũng cho biết: “Với những người làm công tác xã hội, chúng tôi chỉ mong sao có thể góp một phần nào đó để chăm sóc, nuôi dưỡng các em mỗi ngày một tốt hơn. Và cũng mong sao các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cùng tiếp tục chung tay góp sức trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em”.

Với mục đích tăng cường vận động các nguồn lực trong xã hội để tạo điều kiện cho nhiều trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ, phúc lợi xã hội và quan tâm chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; những năm qua công tác vận động ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã được triển khai và nhận được sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cùng những tấm lòng hảo tâm. Bên cạnh đó tỉnh cũng đã phân bổ số tiền hơn 23 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh. Từ các nguồn lực hỗ trợ này, nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa đã được triển khai, tổ chức hàng năm cho trẻ em như tặng quà Tết, tổ chức trung thu, trao tặng học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em bị bệnh tim và dị tật bẩm sinh… Ngoài ra các hoạt động truyền thông về rèn luyện kỹ năng sống, phòng chống đuối nước cho trẻ em… cũng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, địa phương, gia đình, cộng đồng và xã hội đối với công tác bảo vệ trẻ em.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Ia Sao, huyện Ia Grai  nói: “Hàng năm thì chính quyền địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch để làm tốt công tác phòng, chống đuối nước và Mặt trận cũng như các đoàn thể thì xuống tuyên truyền; đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên có các chương trình tập huấn phòng, chống đuối nước. Chính quyền địa phương thì cũng bằng hết khả năng làm tốt công tác tuyên truyền cũng như cắm các biển báo cảnh báo trên các hồ, đập”.

Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong tỉnh. Trong đó, Diễn đàn trẻ em các cấp, chương trình “Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND với trẻ em” được tổ chức hàng năm là cơ hội để trẻ em được nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình; và cũng là dịp để lãnh đạo chính quyền và các sở, ngành lắng nghe, quan tâm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để giúp những mầm non tương lai của đất nước có điều kiện sống, học tập, vui chơi và phát triển một cách tốt nhất. Đặc biệt tại Chương trình Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em tỉnh Gia Lai năm 2022,  đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh: “Với trách nhiệm của đại biểu HĐND và với tư cách là Chủ tịch HĐND tỉnh thì cũng đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục suy nghĩ nhiều hơn đối với những vấn đề mà trẻ em chúng ta quan tâm. Đối với những nội dung công việc liên quan đến trẻ em thì cần phải tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi và trả lời vì trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ trẻ em, bảo vệ mầm non tương lai của đất nước, bảo vệ mầm non tương lai – những người có thể là gánh vác công việc sau này của từng địa phương, đơn vị, cơ quan và với tỉnh Gia Lai của chúng ta”.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 451.400 trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là hơn 5.300 trẻ (gồm trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật…). Mặc dù các chế độ, chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được triển khai kịp thời, đảm bảo; tuy nhiên hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 3.190 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng, đồng nghĩa với việc vẫn còn rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác trẻ em và các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả; Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” là dịp để tăng cường hơn nữa trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp và công tác phối hợp giữa các ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc quan tâm, tạo điều kiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh; được phát triển một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần./.

Mỹ Tiến, Huy Toàn


Lượt xem: 26

Trả lời