CHỦ TỊCH UBND TỈNH CHỈ ĐẠO KHẮC PHỤC NGẬP LỤT TẠI TX.AN KHÊ

Cập nhật 16/11/2013, 09:11:18

Chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong hai ngày 14 và 15/11 tại các huyện phía Đông của tỉnh đã có mưa lớn trên diện rộng. Riêng tại thị xã An khê, mưa lớn liên tục kèm với nước lũ trên sông Ba dâng cao đã nhấn chìm hoàn toàn cầu sông Ba, gây ngập lụt nặng tại khu vực vào trung tâm thị xã. Đặc biệt tại đèo An khê đã bị sạt lở nghiêm trọng một số đoạn gây ách tắc giao thông. Ngay khi lũ dữ đổ về khu vực thị xã An khê, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở ngành đã đến thị xã An Khê kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại. 

Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chống lũ tại TX An Khê

Ảnh hưởng của mưa lớn đã khiến nước lũ trên sông Ba dâng cao rất nhanh gây ngập lụt tại khu vực dân cư hai bên đầu cầu. Bắt đầu dâng từ lúc 15h ngày 15/11, đến khoảng 16h cùng ngày mực nước đã cao hơn mặt cầu sông Ba bắc qua thị xã An khê từ 1m – 1,5m. Cầu sông Ba bị nhấn chìm hoàn toàn, nước tràn sang khu vực dân cư ở cả hai phía đầu cầu khiến toàn bộ giao thông trên tuyến đường này bị ngưng trệ. Nhiều người dân ở đây cho biết đã hàng chục năm nay họ mới chứng kiến nước lũ sông Ba dâng cao như vậy. Và nguyên nhân chính là do nhà máy thủy điện An khê Kanak xả lũ. Theo thông báo ban đầu, Nhà máy thủy điện An Khê Kanak xả lũ với lưu lượng 700m3/giây nhưng đến 15h bất ngờ xả lên đến 2.400m3/giây và chỉ thông báo cho chính quyền địa phương trước 10 phút khiến việc tổ chức di dời dân của chính quyền địa phương rơi vào thế bị động. Trước tình hình này, chính quyền thị xã An khê đã phải tổ chức di dời khẩn cấp hơn 100 hộ dân sống ven sông Ba đến nơi an toàn. Một  người dân Phường An Bình – Thị xã An Khê cho biết: “Nước lụt làm gì có dâng như vầy, mấy năm kia mưa lớn mấy ngày, mấy đêm nước còn không vào được nhà.  Nước dâng lên như hiện nay là do đập chứ lũ không nhiều như thế”.

 Có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng yêu cầu thị xã An khê triển khai các biện pháp cấp bách để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân ở khu vực nguy hiểm. Sở giao thông vận tải, lực lượng cảnh sát giao thông triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiểm soát tốt tình hình giao thông đi lại trên địa bàn.

Đ/c  Phạm Thế Dũng ,Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:  “Phải chặn xe ở từ xa chứ nếu không tất cả đều dồn xuống đèo thì sẽ ách tắc. Còn đoạn đầu đèo vì dân mình phải giải tỏa cho nhanh, nếu tỉnh Bình Định không lên được thì mình tổ chức điều xe của mình đi xuống”.

Có mặt tại hiện trường lúc 22h ngày 15/11, nhóm phóng viên   theo đoàn công tác của UBND tỉnh đến kiểm tra khu vực đèo An Khê, thuộc địa phận tỉnh Bình Định, tại đây  đồng chí chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng cũng như ngành liên quan đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để xử lý tình trạng sạt lở tại khu vực này. Qua kiểm tra trực tiếp,  trên một số khu vực đèo An khê thuộc địa phận tỉnh Gia Lai và Bình Định đã bị sạt lở nghiêm trọng. Đất cát đã vùi lấp toàn bộ bề rộng con đường, thậm chí nhiều khả năng đã chôn vùi cả người lẫn xe qua lại . Trước tình hình thiệt hại đang xảy ra, chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn cấp điều động lực lượng, phương tiện đến tổ chức cứu hộ, cứu nạn ngay trong đêm.  Đ/c Phạm Thế Dũng , Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Đèo An khê chỗ chúng ta đang đứng đây thuộc địa phận tỉnh Bình Định và thị xã An Khê đã bị chia cắt hơn 2 tiếng đồng hồ bây giờ mới thông được. Hiện nay Gia Lai đã điều lực lượng cứu hộ đến để giải tỏa vùng này để thông tuyến mặc dù không thuộc địa phận của tỉnh quản lý nhưng vì cái chung phải làm. Tại đây chúng ta đã phát hiện ra có xe honda bị vùi không biết có người hay không tôi đang điều lực lượng đến để cứu hộ”.

 Trước diễn biến thời tiết tiếp tục có thể mưa kéo dài, lưu lượng xả lũ tại Nhà máy thủy điện An Khê Kanak sẽ ngày càng tăng, dự báo có thể xả ở mức 3000m3/giây. Để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du sông Ba, đặc biệt là không để xảy ra thiệt hại lớn về người,  đồng chí Phạm thế Dũng , Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương từ thị xã An khê đến huyện Krông Pa phải nhanh chóng đưa dân ở vùng trũng, ven sông suối đến nơi an toàn.

 Đây là cơn lũ rất lớn chưa từng xảy ra đối với các huyện vùng hạ lưu sông Ba mà nguyên nhân chủ yếu là do nhà máy thủy điện An khê Kanak xả lũ dồn dập với cường độ lớn trong thời gian quá gấp. Cho đến thời điểm này chưa thể tính hết được thiệt hại gây ra đối với sản xuất và đời sống của người dân vùng hạ lưu nhưng chắc chắn thiệt hại sẽ là rất lớn.

Đồng chí chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương các huyện thuộc hạ lưu sông Ba không được chủ quan, lơ là, túc trực 24/24h để kịp thời xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh kịp thời có mặt chỉ đạo công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Trong  ngày 16/11, chủ tịch UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống và khắc phục hậu quả cơn lũ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn các huyện phía Đông của tỉnh. 

Nhật Thành , Minh Trí


Lượt xem: 99

Trả lời