Chư Sê đảm bảo lộ trình sáp nhập các đơn vị trường học

Cập nhật 23/5/2022, 16:05:48

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc sáp nhập trường, điểm trường, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục ở các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã tạo nên một diện mạo mới, tinh gọn và hiệu quả hơn. Tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao đã dần được khắc phục, hàng trăm điểm trường lẻ đã được dồn ghép. Giai đoạn từ năm học 2017-2018 đến nay, huyện Chư Sê đã xây dựng lộ trình sáp nhập các đơn bị trường học phù hợp với thực tế từng trường, từng địa phương theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong và Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ở xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê sáp nhập từ tháng 8/2018. Với quy mô mỗi trường 24 lớp, tổng số 1.300 học sinh, sau sáp nhập đã giảm 10 lớp. Việc sáp nhập 2 trường ở cùng địa bàn cấp xã phải gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Thầy giáo Hồ Sỹ Hậu  – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, huyện Chư Sê cho biết: “Thuận lợi đầu tiên là các em được tập trung về trường trung tâm để học, để tiếp nhận được công nghệ thông tin, cơ sở vật chất thuận lợi hơn các điểm lẻ, thứ 2 là tinh giản được cán bộ quản lý. Bên cạnh đó cũng có những khó khăn nhất định, số lượng trường lớp quá đông, số học sinh đông. Thứ 2 là  việc quản lý sẽ khó khăn hơn khi sáp nhập 2 trường lại với nhau. Thứ 3 là học sinh ở một số điểm trường làng các em học quen ở trường làng nên không muốn ra trường chính để học”.

Thực hiện chủ trương sáp nhập trường, điểm trường, giai đoạn từ năm học 2017-2018 đến nay, huyện Chư Sê đã giảm được 6 trường, 176 lớp, 104 điểm trường. Việc sáp nhập ban đầu cũng có những khó khăn nhất định, song thuận lợi là cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tại một số trường được đầu tư tập trung, sử dụng hiệu quả hơn, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản bộ máy, giảm số lượng cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ gián  tiếp.

Ông Phạm Văn Hoàng – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê cho biết: “Trong quá trình sáp nhập cũng gặp rất nhiều khó khăn, thứ nhất là bố trí cơ sở vật chất, thứ 2 là bố trí đội ngũ dư thừa. Mặt lợi là giảm được biên chế, giảm được đầu mối, tận dụng được cơ sở vật chất của 2 cấp học. Đến nay công tác sáp nhập cơ bản hoàn thành theo chỉ tiêu được giao. Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 sẽ sáp nhập 1 vài đơn vị sự nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu NQ 19 cũng như giảm đầu mối, nâng cao chất lượng dạy học. Nhiệm kỳ 2021-2025 phòng tham mưu huyện xây dựng đề án đầu tư cơ sở vật chất tổng vón đầu tư 130 tỷ đồng nhằm đáp ứng dạy 2 buổi/ngày đối với giáo dục mầm non và tiểu học”.

Việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Triển khai sắp xếp theo lộ trình với những giải pháp cụ thể, sát với thực tế mỗi địa phương sẽ là tiền đề quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo./.

Kim Châu, Viễn Khánh


Lượt xem: 9

Trả lời