Chư Pưh thực hiện đa dạng sinh kế cho người dân

Cập nhật 15/10/2023, 20:10:01

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019, huyện Chư Pưh là 1 trong những địa phương có nhiều diện tích cây hồ tiêu bị chết, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó mô hình đa dạng sinh kế đã đem lại hiệu quả, người dân từng bước vượt qua khó khăn và dần ổn định cuộc sống trên vùng đất của mình.

15Năm 2015, hơn 1.500 trụ tiêu của gia đình anh Đoàn Văn Thái, ở thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh bị bệnh chết, toàn bộ tài sản tích góp được và số tiền 250 triệu đồng vay ngân hàng theo đó mất sạch. Thời điểm đó, huyện Chư Pưh triển khai nhiều chủ trương, chính sách để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều sinh kế cho người dân. Được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2017, anh Thái đã mạnh dạn vay vốn triển khai mô hình nuôi dê. Đàn dê của gia đình ban đầu chỉ 20 con, đến nay có gần 300 con, mỗi năm thu nhập từ 300-400 triệu đồng.

Anh Đoàn Văn Thái – Thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh nói: “Khi cây hồ tiêu chết đồng loạt, tôi và nhiều người dân ở đây đã đi vào miền Nam làm ăn, nhưng cũng gặp khó khăn. Năm 2017 thì về lại và nuôi dê, ban đầu thì vài chục con, rồi hàng năm cứ tăng đàn dần, đến nay thì gia đình đàn dê gần 300. Thu nhập thì tạm ổn và có tiền để mở rộng thêm các loại dê giống mới cho năng suất ngày càng cao hơn…”

Ông Lê Quang Vang – Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho biết: “Tại địa phương thì sau khi diện tích tiêu bị chết hàng loạt thì cũng có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trong đó mô hình dê là đạt hiệu quả nhất. Rất nhiều gia đình với mô hình từ vài chục đến trăm con, có một số gia đình đàn dê vài trăm con… nguồn thu từ dê ổn định và phù hợp với thời tiết và nguồn thức ăn ở đây nên bà con yên tâm phát triển đàn dê, thu nhập ngày càng tăng…”

Tương tự xã Ia Blứ, xã Ia Le cũng đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; trong đó mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại hiệu quả.

Ông Trần Bá Chiến – Thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh chia sẻ: “Gia đình tôi có trồng 8 sào dâu, mỗi tháng có thể nuôi 3 hộp giống tằm, trừ chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Xã Ia Le cũng đã thành lập nông hội dâu tằm và tôi có tham gia, thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm và hỗ trợ nhau phát triển mô hình để đem lại hiệu quả…”

Nếu như trước đây, ngành Nông nghiệp huyện Chư Pưh chủ yếu dựa vào cây hồ tiêu và một số cây công nghiệp dài ngày thì nay đã đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; triển khai nhiều mô hình phát triển có sự liên kết của “4 nhà” gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp; đã mang lại hiệu quả, thu nhập người dân ổn định và từng bước đựơc nâng cao.

Ông Nguyễn Long Khánh – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh trao đổi: “Ngành nông nghiệp huyện Chư Pưh đã vận động bà con chuyển đổi nhiều mô hình cây trồng vật nuôi để tái cơ cấu sản xuất sau khi nhiều diện tích tiêu bị chết. Các mô mình đạt hiệu quả như cây sầu riêng, cây mít thái, dâu tằm tơ và mô hình chăn nuôi dê. …Tới đây thì tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm, một số cây ăn quả, vật nuôi trên địa bàn để giúp người dân ổn định đảm bảo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình…”

Với những mô hình sinh kế đạt hiệu quả, kết hợp với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Chư Pưh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai xây dựng ngành Nông nghiệp địa phương phát triển bền vững./.

Ngọc Ánh – Minh Trung


Lượt xem: 18

Trả lời