Chư Pưh: Chủ động ngăn bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát trở lại

Cập nhật 28/9/2021, 16:09:34

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh vào năm 2019 đã gây ra nhiều thiệt hại cho các hộ chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Sau một thời gian được kiểm soát tốt thì đến cuối tháng 7 năm 2021, bệnh dịch có dấu hiệu xuất hiện trở lại tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhằm chủ động ứng phó, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trên diện rộng, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đã có những chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các địa phường tăng cường các giải pháp để bảo vệ ngành chăn nuôi. Nhất là đối với các địa phương từng có ổ dịch cũ. 

Xã Chư Don, huyện Chư Pưh là địa phương đã bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi vào năm 2019. Thời điểm đó, xã đã phải tiến hành tiêu hủy 230 con lợn, với tổng trọng lượng trên 4 tấn, khiến cho gần 40 hộ chăn nuôi trên địa bàn bị thiệt hại nặng về kinh tế.

Sau gần hai năm, hoạt động chăn nuôi của người dân đã dần phục hồi. Nhiều gia đình đã tái đàn được đàn lợn xấp xỉ với thời điểm trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Như gia đình anh Rơmah Hiếu, ở làng Lốp, xã Chư Don, trong đợt dịch năm 2019, đàn lợn 10 con của gia đình anh đã bị bệnh và tiêu hủy hết, khiến kinh tế gia đình rơi vào khó khăn vì bị thiếu hụt nguồn thu nhập. Do đó, khi bắt đầu tái đàn, anh Hiếu đã chú trọng hơn đến công tác phòng dịch cho vật nuôi của gia đình.

Anh Rơmah Hiếu, Làng Lốp, xã Chư Don, huyện Chư Pưh, Gia Lai nói: “Mãi về sau này mới ổn định về kinh tế mới mua thêm mấy con về nuôi lại, giờ cũng ổn định rồi. Mình phải dọn dẹp chuồng trại cho đàng hoàng, lâu lâu cũng phải phun khử khuẩn cho chuồng trại”.

Xã Chư Don là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pưh, với đa số hộ dân là người DTTS, đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Chăn nuôi lợn tuy không phải là mô hình kinh tế chủ lực của xã nhưng nhiều hộ dân trên địa bàn cũng đã lựa chọn loại hình này để góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Hiện tổng đàn lợn toàn xã có gần 1 nghìn con với trên 130 hộ chăn nuôi. Theo chính quyền địa phương, sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi năm 2019, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang chăn nuôi gà, vịt, dê hoặc trồng hoa màu nên tổng đàn lợn của xã đã giảm nhiều so với trước. Điều đáng ghi nhận là người dân, nhất là bà con người DTTS đã có ý thức hơn trong việc phòng bệnh cho vật nuôi.

Ông Nguyễn Minh Hà, Chủ tịch UBND xã Chư Don, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Về công tác kiểm soát và phòng chống dịch trên địa bàn xã, xã đã rà soát các hộ chăn nuôi trên địa bàn để nắm về tình hình chăn nuôi, triển khai công tác phòng chống dịch. Người dân hưởng ứng và đồng tình, cũng rút kinh nghiệm từ đợt trước nên bây giờ người dân cũng ủng hộ”.

Ông Nguyễn Công Trình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh, Gia Lai cũng cho biết: “Trước tiên là tuyên truyền cho người dân, trong đó có việc tái đàn, lựa chọn nguồn giống chất lượng, sạch bệnh, đủ điều kiện để tái đàn. Về công tác phun tiêu độc khử trùng, từ đầu năm đến nay đã triển khai 4 đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng chăn nuôi để phòng chống dịch bệnh. Đối với bà con DTTS thì sẽ tổ chức tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh cho bà con trên các loại vật nuôi”.

Theo dự báo của ngành chức năng, tình hình tái phát dịch bệnh trên diện rộng trong thời gian tới là rất có khả năng xảy ra. Vì thế, các địa phương, các ngành liên quan cũng như mỗi người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng dịch để bảo vệ vật nuôi, tránh những thiệt hại về kinh tế nếu có dịch xảy ra.

Ngọc Hà, Phi Long


Lượt xem: 33

Trả lời