CHƯ PĂH VỮNG VÀNG PHÁT TRIỂN

Cập nhật 05/1/2022, 09:01:41

25 năm kể từ ngày thành lập (02/01/1997-02/01/2022) – một chặng đường không dài so với lịch sử, nhưng huyện Chư Păh đã không ngừng khởi sắc và phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đó là sự kết tinh của tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt khó và giàu khát vọng đổi mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện để từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, hạnh phúc; vững tin bước vào tương lai tươi lai tươi sáng.

Thực hiện Nghị định số 70 ngày 11/11/1996 của Chính phủ, huyện Chư Păh ra mắt và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 02/01/1997, trên cơ sở 6 xã của huyện Chư Păh cũ (nay là huyện Ia Grai), 3 xã của huyện Mang Yang cũ (nay là huyện Đak Đoa) và 2 xã của thị xã Pleiku (nay là thành phố Pleiku. Nằm giữa hai tỉnh lỵ Pleiku và Kon Tum với chiều dài 30 km, án ngữ trên Quốc lộ 14-một trong những tuyến giao thông huyết mạch của Tây Nguyên, huyện Chư Păh có vị trí rất quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh- quốc phòng trong chiều dài lịch sử và cả tương lai. Những địa danh ở Chư Păh như: đồn điền Biển Hồ, Ia Phí, Ia Mơ Nông, núi Chư Pao… đã đi vào lịch sử vẻ vang như những huyền thoại về tinh thần kiên trung bất khuất, chiến đấu ngoan cường chống quân thù; về khát vọng hòa bình, độc lập, giải phóng quê hương của cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Chư Păh.

Ông Rơ Chăm Kóp-nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Chư Păh-Gia Lai cho biết: “Xuất phát từ lòng yêu nước và nghe theo Bác Hồ nên trong những năm kháng chiến, nhân dân ở đây chiến đấu chống quân thù rất kiên cường. Dù địch đánh phá rất ác liệt nhưng nhân dân rất dũng cảm chiến đấu và tiếp tế cho bộ đội để chiến đấu chống quân thù”.

Bà Rơ Châm Phớt-nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai-nguyên Bí thư Huyện ủy Chư Păh đầu tiên (giai đoạn 1997-2001) cho biết: “Khi mới thành lập huyện thiếu thốn nhiều thứ lắm. Cơ sở vật chất chưa có gì, đội ngũ cán bộ cũng vậy. Nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy (lâm thời) đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ… Một trong những nhiệm vụ trọng tâm lúc đó là tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tiến hành khảo sát rồi tổ chức định canh định cư, đảm bảo chỗ ở, đời sống cho nhân dân; hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo”…

Tự hào là một trong những địa bàn đầu tiên của tỉnh có chi bộ Đảng và có nền tảng cách mạng vững chắc với đội ngũ cán bộ luôn nhiệt thành với sự nghiệp cách mạng, năng động, sáng tạo, giàu khát vọng cống hiến cho quê hương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thiết kế, kiến tạo, định hình phương hướng phát triển ngay từ những ngày đầu thành lập huyện nên Chư Păh từng bước vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, rồi vươn lên từng ngày trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng cùng với tranh thủ sự quan tâm, đầu tư của Trung ương và của tỉnh, huyện Chư Păh đã khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh của địa phương về điều kiện tự nhiên sẵn có, đất đai, khoáng sản, rừng, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, du lịch sinh thái tự nhiên và thủy điện… Bởi vậy, bức tranh kinh tế-xã hội của huyện liên tục có những gam màu tươi sáng với tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Như trong giai đoạn 2015-2020 đạt 13,05%, trong đó ngành nông- lâm thủy sản tăng gần 8,9%, ngành công nghiệp-xây dựng tăng 16,52%, ngành thương mại-dịch vụ tăng gần 17,6%. Những vùng đất một thời bị bom đạn cày xới, oằn mình gánh chịu bao nỗi đau và mất mát do hậu quả của chiến tranh nay đã phủ lên màu xanh ngút ngàn của cao su, cà phê, tiêu, lúa và các loại cây ăn trái luôn “đơm hoa kết trái” với những “mùa quả ngọt”, mang đến cuộc sống thanh bình, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân. Thành quả to lớn đó có được là nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp – xây dựng phát triển nhanh, ổn định, có hiệu quả với tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong 5 năm gần đây đạt 1.250 tỷ đồng, gấp 2,08 lần so với năm 2015. Toàn huyện hiện có  433 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 175 doanh nghiệp, 13 hợp tác xã và 913 hộ kinh doanh đang hoạt động. Đặc biệt là huyện khai mở hướng đi mới cho ngành nông nghiệp trên cơ sở tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch; hỗ trợ đắc lực cho nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hình thành nhiều cánh đồng lớn, tạo những chuỗi liên kết trong sản xuất và từng bước định hình những thương hiệu nông sản… nên mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó càng tạo khí thế phấn khởi cho nhân dân thi đua lao động sản xuất để làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Ông Nguyễn Đức Thêm-Thôn 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, Gia Lai bày tỏ: “Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương nên gia đình tôi đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng rau thủy canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng rau theo kiểu truyền thống”.

Ông Nay Kiên-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, Gia Lai khẳng định: “Trải qua 25 năm thành lập, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện nên đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Từ chỗ đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập thấp, tự cung tự cấp, chưa biết ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhưng sau đó kinh tế phát triển đúng hướng, người dân nắm bắt tiến bộ của khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, đang chuyển đổi từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp sang nông nghiệp sạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao… Quốc phòng-an ninh đảm bảo…. Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy luôn có sự đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương”.

Chuyển mình và bứt phá đi lên từng ngày, từ thị trấn Phú Hòa-khu trung tâm huyện đến các xã trong huyện đã khởi sắc, đổi thay hòa nhịp phát triển với những dấu ấn đậm nét đó là hệ thống kết cấu hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm và nhiều công trình phúc lợi công cộng khác được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, tạo tiền đề vững chắc để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đánh thức tiềm năng. Chỉ tính trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện đạt 6.710 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn, làng, tổ dân phố đã có điện lưới quốc gia; 98,7% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Mạng lưới trường lớp đã phủ khắp, khang trang, sạch, đẹp với 27/45 trường đạt chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng được nâng lên. Hệ thống cở sở vật chất, trang thiết bị y tế cùng với đội ngũ y- bác sỹ từ huyện đến các xã, thị trấn đã đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. 13/13 Trạm Y tế xã trong huyện đã đạt chuẩn quốc gia về y tế… Nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ như: Thư viện, quảng trường, bưu điện, nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng…. Các bản sắc văn hóa được quan tâm bảo tồn và giữ gìn và phát huy. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, “đền ơn đáp nghĩa” được huyện triển khai rất tốt…. Nhờ thực hiện hiệu quả các dự án, chương trình nhất là định canh, định cư, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… nên huyện đã giải quyết căn bản những khó khăn, tạo những điểm tựa vững chắc để phát triển trên nhiều lĩnh vực, tỷ lệ hộ nghèo từ từ 59% năm 1997 nay giảm còn 3,82%, có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 43,75 triệu đồng/người/năm (tăng 42,63 triệu đồng so với năm 1997).
Ông Biên-Chủ tịch UBND xã Hà Tây, huyện Chư Păh, Gia Lai nhận xét: “Trước đây các làng trong xã nằm rải rác ở gần rừng, được sự quan tâm đầu tư của huyện đã quy hoạch lại bài bản và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nên tạo diện mạo nông thôn khởi sắc và thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống’…

Nằm trên cao nguyên trù phú, có hệ thống kết cấu giao thông thuận lợi, cùng với sự ưu ái ban tặng của thiên nhiên với cảnh quan đẹp và hội tụ những trầm tích văn hóa truyền thống đặc sắc được tiếp nối, phát huy qua lâu đời nay, Chư Păh tự hào sở hữu nhiều tiềm năng du lịch phong phú và độc đáo. Biến tiềm năng thành cơ hội phát triển, lĩnh vực du lịch của huyện liên tục khởi sắc, định hình trong bản đồ du lịch Gia Lai đa sắc màu. Những đồi thông lộng gió, những đồi chè Nghĩa Hưng trăm tuổi; hay thác Công chúa hoang sơ, trữ tình; Núi lửa Chư Đăng Yang kỳ vĩ cùng với Lễ hội hoa dã quỳ rộn ràng trong tiếng cồng, tiếng chiêng mừng cuộc sống mới của đồng bào Jrai, Bahnar bản địa; dòng Sê San huyền thoại lập công trong kháng chiến, Thủy điện Ia Ly-công trình thủy điện lớn của đất nước mang đến những ánh điện thắp sáng các buôn làng…đã trở thành điểm đến hấp dẫn, níu chân du khách muôn phương về với Chư Păh đầy năng động, phát triển.

Ông Nguyễn Chất Sâm-Tổ dân phố 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai cho biết: “Tôi từng lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nhưng chọn nơi đây để làm điểm du lịch sinh thái kết hợp với phát triển nông nghiệp vì nơi đây khung cảnh thiên nhiên rất đẹp. Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện Chư Păh, tôi tin tưởng nơi đây sẽ là điểm đến của du khách”…

Ông Nay Kiên-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, Gia Lai cho biết: “Về một số nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn huyện trong thời gian tới là tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Đảng bộ, xác định đúng hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế; xác định rõ các tiềm năng, thế mạnh. Đối với kinh tế thì phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung 3 đột phá, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn, đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Huyện thu hút các dự án chế biến hoa, quả và các dự án kho đông lạnh để có sự chủ động thu mua nông sản và bán ra thị trường. Huyện chú trọng phát triển du lịch vì huyện có nhiều tiềm năng, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, phát triển du lịch thiên nhiên và phát huy các di tích, văn hóa, bản sắc của đồng bào tại chỗ”.

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển của huyện Chư Păh với những thành tựu đáng tự hào in đậm dấu ấn của Đảng bộ huyện. Từ những “hạt giống” ươm mầm, trưởng thành qua các phong trào cách mạng, đến những thế hệ cán bộ, đảng viên kế tiếp đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, mang ánh sáng của Đảng đến với nhân dân, dẫn dắt soi đường chỉ lối sự nghiệp cách mạng của địa phương lập nên những chiến công rạng rỡ trong kháng chiến và trong kiến thiết, xây dựng quê hương đẹp giàu để vững vàng niềm tin, khát vọng để viết tiếp những trang sử mới./.

Hà Đức, R Piên, Phi Long


Lượt xem: 98

Trả lời