Chư Pah triển khai các biện pháp phòng, chống khô hạn cho cây trồng

Cập nhật 24/3/2020, 14:03:57

Từ cuối năm 2019 đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh ít mưa, lượng dòng chảy thiếu hụt từ 50-80% so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, dòng chảy ở các sông, suối khu vực các huyện, thành phố, khu vực phía Tây và khu vực Đông Nam thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 30-70%. Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa Đông Xuân và các loại cây trồng ở nhiều địa phương. Nhân Ngày nước và khí tượng thế giới, phóng sự thực hiện tại huyện Chư Pah.

Dòng suối Đak Tơ Ver đã cạn nước, cộng với mạch nước ngầm tự nhiên ngày càng khan hiếm nên nửa tháng qua, nhiều cánh đồng lúa của xã Đak Tơ Ver đã cạn nước… Những chân ruộng gần nguồn nước, người dân còn có chút hy vọng nguồn nước đảm bảo đến cuối vụ, thế nhưng ở những chân ruộng xa nguồn nước và phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước mạch tự nhiên đã xảy ra khô hạn trong giai đoạn lúa làm đồng, trổ bông.

Anh Nguyễn Trung Huy – Cán bộ Nông nghiệp xã Đak Tơ Ver, huyện Chư Pah cho biết: “Qua thống kê sơ bộ của xã có hơn 28 ha lúa Đông Xuân bị khô hạn. Khô hạn năm nay kéo dài và đến sớm hơn mọi năm. Lúa bị thiệt hại từ 30 đến 70% là cao”.

Không chỉ cây lúa mà hiện nay, tại một số xã của huyện Chư Pah nguồn nước tưới cho các loại cây trồng lâu năm cũng rất khan hiếm. Những ngày qua, ông Đinh Sưk ở làng Kon Sơ Lăng, xã Hà Tây rất vất vả mới tìm được nguồn nước tưới cho 3 ha cà phê năm thứ 3 của gia đình. Nắng nóng kéo dài cộng với nguồn nước tưới khan hiếm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của cà phê và cây lúa của người dân trên địa bàn xã.

 Ông Đinh Sưk – Làng Kon Sơ Lăng, xã Hà Tây, huyện Chư Pah, Gia Lai cũng cho biết: Cà phê này tôi tưới lần thứ 4 rồi, năm nay hạn nặng và tưới cầm chừng, tưới 1-2 ngày rồi để đầu trên anh em làm ruộng, 3-4 ngày mình xin anh em họ cho tưới thì mình tưới.  Mình phải nhường nước cho mấy hộ trên kia làm Đông Xuân, xin họ họ cho thì mình tưới.

Ông Nguyễn Đức Minh – Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây, huyện Chư Pah, Gia Lai cũng nói: “Khu vực Tây Nguyên dự báo hạn hán xảy ra gay gắt. Hiện nay nước tưới cho cà phê, các loại cây trồng khác, đặc biệt là lúa ruộng đã xảy ra một số diện tích lúa khô hạn, nứt nẻ”.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nắng hạn gây ra, trước khi sản xuất Vụ Đông Xuân, huyện Chư Pah đã khuyến cáo người dân không nên gieo sạ ở những khu vực thường xuyên bị hạn và không đảm bảo nguồn nước tưới, đồng thời sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới. Tuy vậy, tình hình nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho các loại cây trồng trên địa bàn.

Anh Đặng Công Phú – Phòng NN&PTNT huyện Chư Pah, Gia Lai nói về những giải pháp chống hạn trong thời gian tới: “Trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các xã kiểm tra tình hình hạn và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống hạn trên địa bàn. Phòng xây dựng phương án phòng, chống hạn và ưu tiên nước tưới cho cây lúa, cà phê và phối hợp với UBND các xã, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp nạo vét các kênh mương, khơi thông dòng chảy, xây dựng lịch tưới tiêu hợp lý và tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng”.

Trước tình hình nắng nóng kéo dài và dự báo mùa mưa năm nay đến muộn, trong khả năng có thể, người dân tại các xã trên địa bàn huyện Chư Pah đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để có nguồn nước tưới cho cây trồng, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nắng hạn gây ra. Bên cạnh đó, các xã cũng rà soát những diện tích thường xuyên bị hạn để khuyến cáo người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp, ít cần nguồn nước tưới./.

Thiên Thanh, Duy Linh


Lượt xem: 84

Trả lời