Chư Pah khó khăn trong việc khắc phục cát vùi lấp đất sản xuất của người dân

Cập nhật 08/8/2018, 14:08:49

Sau những trận mưa lớn vừa qua, hàng trăm hộ dân tại huyện Chư Pah bỗng chốc rơi vào cảnh không có đất sản xuất do bị cát vùi lấp. Tuy nhiên để khắc phục tình trạng này lại không hề dễ dàng đối với chính quyền địa phương và cả người dân khi vướng vào những quy định của Luật Khoáng sản.

Cánh đồng Suối Ia Lăn rộng gần 7ha vốn là nơi sản xuất lúa nước của người dân Thôn 7, làng Tun Te và làng Bồ, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah…. Thế nhưng giờ đã bị cát vùi lấp gần như hoàn toàn.

Chị Rơ Châm Than cho biết: Những năm trước, trên diện tích 1ha lúa canh tác, năm nào gia đình chị cũng thu về hơn 6 tấn thóc. Nhưng trong hoàn cảnh như thế này, chị cũng đành ngậm ngùi chẳng biết phải làm sao.

 “Cát vùi lấp như thế này không làm được phải đi làm thuê cho người ta thôi, khó khăn lắm, suốt ngày đi đào hố cà phê ấy”, chị  Than nói.

Ông Trần Đắc Thắng – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Bây giờ người dân cải tạo ruộng, múc cát này đi thì theo Luật Khoáng sản thì không cho phép việc này, buộc phải làm giấy phép. Nhưng mà đây thì cũng không phải mỏ cát, trữ lượng thì cũng không có nhiều cho nên vướng trong việc để người dân cải tạo ruộng là như thế”.

Theo thống kê từ ngành chức năng huyện Chư Pah, sau những trận mưa lớn vừa qua, tại địa phương đã có hơn 70ha đất sản xuất của người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số bị cát vùi lấp, không thể canh tác, tập trung chủ yếu tại xã Ia Nhin, Ia Mơ Nông, Nghĩa Hòa, Hà Tây và Đak Tơ Ve.

Dù biết những quy định mà Luật Khoáng sản ban hành, song để có đất sản xuất, nhiều hộ dân tại Chư Pah đã buộc phải lắp các máy cỡ nhỏ để hút cát ra khỏi đồng ruộng để lấy đất canh tác. Song việc này lại dẫn đến hành vi không được phép, nên khi bị phát hiện, chính quyền địa phương đã lập biên bản và thu giữ tang vật. Và rồi cát thì vẫn cứ phơi trên mặt ruộng, người dân chỉ biết ngồi chờ cơ chế xử lý của trên.

Ông Nay Kiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, Gia Lai cũng cho biết: “Huyện đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh để xem xét việc cát bồi lấp các khu ruộng sản xuất của người dân để có chế tài, cơ chế như thế nào cho phù hợp. Tránh tình trạng người dân có đất sản xuất nhưng lại bị cát vùi lấp và cũng tránh tình trạng lợi dụng để khai thác cát bồi lấp đó để rồi khai thác khoáng sản trái phép”.

Cần một cơ chế thông thoáng để giải quyết tình trạng cát vùi lấp đất sản xuất, từ đó giúp người dân ổn định cuộc sống đang là mong mỏi rất lớn từ phía chính quyền địa phương huyện Chư Pah.

Trong thời gian chờ chỉ đạo của tỉnh cũng như hướng dẫn từ các ngành liên quan thì sau mỗi trận mưa, rất nhiều cánh đồng tại huyện Chư Pah đang phải đối mặt với tình cảnh bị cát xâm lấn và người dân lại tiếp tục mất đất sản xuất, mà chủ động cải tạo thì cũng không xong.

Đoàn Bình,Thanh Sáng

 


Lượt xem: 130

Trả lời