Chư Păh- đưa chính sách dân số đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cập nhật 04/9/2015, 10:09:51

Là một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Chư Păh, những năm qua, Hà Tây gặp rất nhiều trở ngại trong việc đưa chính sách dân số- KHHGĐ đến với người dân. Đời sống kinh tế của người dân đã nghèo do sinh đông, sinh dày lại càng nghèo khổ hơn.

Gia đình anh Khyưng, chị Hlenh ở làng Konpăh xã Hà Tây lấy nhau từ năm 2004. Thuộc lớp gia đình trẻ nhưng anh chị đã có 6 đứa con, lớn nhất 11 tuổi, nhỏ nhất mới được 4 tháng tuổi. Cũng như rất nhiều hộ dân khác ở vùng khó khăn này, anh chị chưa biết đến việc sử dụng biện pháp tránh thai nào.

         

Anh Khyưng, làng Konpăh, Hà Tây, Chư Păh nói: “Mình sinh 6 đứa con rồi, trai có, gái có rồi, cũng không muốn sinh thêm con nữa nhưng không biết phải làm thế nào. Nhờ cán bộ dân số giúp cho, chứ khổ quá. Khi thì vợ đi làm, mình ở nhà giữ con, khi thì vợ ở nhà, mình đi làm thuê”.

Toàn xã Hà Tây có 851 hộ dân, 97% là đồng bào DTTS, phần đông là đồng bào có đạo Thiên chúa. Khoảng 3 năm trước đây, mặc dù đời sống gặp muôn vàn khó khăn nhưng việc sinh con, đẻ cái luôn được các cặp vợ chồng coi là quy luật tự nhiên, công tác truyền thông dân số hầu như không có tác dụng, người dân chưa hề biết đến việc áp dụng biện pháp tránh thai là gì. Những gia đình có từ 5-7 con là rất phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn ở mức cao nhất huyện.

Xác định việc đưa chính sách dân số đến với mỗi người dân, giảm mức sinh trong mỗi gia đình là việc làm cấp bách trong chiến lược giảm nghèo vùng khó này, Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện Chưpah đã phối hợp với chính quyền, các ban ngành đoàn thể của xã tập trung đẩy mạnh các biện pháp truyền thông, vận động. Mọi hình thức tuyên truyền, giáo dục từ vận động trực tiếp từng hộ dân, nói chuyện nhóm nhỏ đến tranh thủ người có uy tín, chức sắc…được thực hiện. Đội ngũ cán bộ dân số được củng cố, tập trung vào những người có uy tín, chuyên môn và nhiệt tình để chuyển đổi nhận thức người dân, tập trung vào đối tượng tuổi từ 15-49, gia đình đông con. Các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, dịch vụ KHHGĐ được đưa đến trạm y tế xã và cán bộ dân số để cấp cho người dân khi có nhu cầu.

Ông Luyện Văn Toàn, giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Chư Păh cho biết: “ Chúng tôi xác định việc đưa chính sách dân số đến với người dân những xã như Hà Tây là một thách thức lớn. Vì họ là đồng bào có đạo, nếp nghĩ sử dụng các biện pháp tránh thai là trái với quy luật tự nhiên, đã ăn sâu vào đời sống nên rất khó để thay đổi. Họ mà không thực hiện KHHGĐ thì sẽ nghèo đói mãi, không thể nào ổn định được đời sống”.

Với những nỗ lực trong công tác phối hợp vận động tuyên truyền, đến nay, nhận thức của người dân đã có những chuyển biến vượt bậc. Từ chỗ không có ai sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, thì hiện nay đã có 58% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ biết áp dụng. Tỷ lệ cặp vợ chồng sinh con thứ 3 hiện còn 12,5%. Số gia đình sinh con đông, khó thay đổi nhận thức chỉ còn ở lứa tuổi từ 35 trở lên. Đặc biệt, nhận thức của người dân vùng DTTS về sinh con ít, thực hiện quy mô gia đình ít con để nuôi dạy cho tốt đã được cải thiện đáng kể.

Ông Đinh Sưk, chủ tịch UBND xã Hà Tây, Chư Păh nói: “ Chúng tôi cũng đã tăng cường chỉ đạo các ban ngành cùng phối hợp để vận động, tuyên truyền. Bây giờ người dân cũng đã biết sinh nhiều con là rất khổ, lại không nuôi nổi, không có gì cho nó ăn. Sinh ít con thì chúng nó mới có thể có điều kiện mà làm ăn, giảm được đói nghèo”.

Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Hà Tây còn 35%, giảm đáng kể so với những năm trước đây, đời sống người dân vùng đồng bào đã có những đổi thay tích cực. Dân số ổn định, chất lượng sống của người dân nâng lên chính là điểm tựa để xã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm đã đề ra./.

 

Minh Lý- K’SorTuối


Lượt xem: 62

Trả lời