Chư Pah bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số

Cập nhật 28/5/2021, 10:05:03

Huyện Chư Pah hiện có 26 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó chủ yếu là dân tộc Jrai, BahNar, chiếm hơn 50% dân số với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được huyện Chư Pah chú trọng thực hiện.

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, huyện Chư Pah đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc. Trong đó chú trọng gìn giữ, phục dựng các lễ hội truyền thống như Pơ Thi, Mừng lúa mới…; truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, ủ rượu cần…; khôi phục được 67 nhà rông, bảo quản 275 bộ cồng chiêng. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các hội thi, trưng bày sản phẩm văn hóa truyền thống tại các lễ hội lớn của địa phương để quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ông Nguyễn Minh Đức  – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chư Pah nói: “Cái việc mà phát huy, bảo tồn văn hóa truyền thống, ở trên địa bàn huyện có các hoạt động tạc tượng, dệt thổ cẩm, các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, đi cà khoe, đẩy gậy. Hàng năm UBND huyện, các phòng ban chức năng cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhằm ôn lại các hoạt động này, quảng bá hình ảnh, truyền thống của huyện”.

Bà Ksor H’Moc ở làng Bui, xã Nghĩa Hưng là nghệ nhân dệt thổ cẩm của huyện Chư Pah. Bà H’Moc đã hơn 60 tuổi nhưng biết dệt thổ cẩm được gần 50 năm. Bà luôn ân cần, tỷ mỉ chỉ dạy cho con cháu từ cách se sợi, tạo hoa văn đến việc hoàn thành một sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Với bà H’Moc việc truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống có ý nghĩa lớn, góp phần gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc Jrai.

Bà Ksor H’Moc, nghệ nhân dệt tổ cẩm xã Nghĩa Hưng, Chư Pah cho biết: “Bà mẹ dạy cho, thấy bà mẹ làm thích lắm, muốn tập, muốn học dệt để biết truyền thống của dân tộc mình từ lâu đến bây giờ. Bây giờ chỉ dậy cho con cháu của bà để biết truyền thống hồi xưa”.

Đan lát cũng là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân tộc Jrai, BahNar đang được chính quyền địa phương quan tâm bảo tồn. Nhiều nghệ nhân đan lát trên địa bàn vẫn thường xuyên đan các sản phẩm truyền thống như gùi, rổ, rá để sử dụng và trưng bày giới thiệu với khách du lịch; đồng thời truyền dạy nghề đan lát cho thế hệ trẻ.

Ông Rơ Châm BeoH – Nghệ nhân đan lát xã Hòa Phú, Chư Pah cho biết: “Phong tục tập quán của tôi là đan cái gùi, sống bằng cái gùi thôi. Hồi trước đi xóc lúa, đi đám chết cũng mang cái gùi nhỏ. Phong tục tập quán của dân tộc sống bằng cái gùi thôi”.

Nhờ sự tích cực của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của các nghệ nhân nên huyện Chư Pah vẫn còn gìn giữ, bảo tồn được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc trên địa bàn. Thời gian tới, huyện sẽ xúc tiến quảng bá các hoạt động lễ hội truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa hơn nữa.

CTV Diễm Ly – Văn Cảnh (Huyện Chư Pah)


Lượt xem: 65

Trả lời