Lễ hội truyền thống của dân tộc Jrai mang những đặc trưng riêng, thể hiện truyền thống đoàn kết, tình yêu con người và thiên nhiên. Để góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong cộng đồng dân tộc Jrai, huyện Chư Păh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn các lễ hội.
Lễ Pơ Jrao là truyền thống lâu đời, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Jrai. Hàng năm, khi lúa bắt đầu trổ bông, nông dân lại chuẩn bị những lễ vật như heo, gà trống, cây nêu, rượu ghè và lá cây Hla Ngal…. để dâng lên Yàng. Lễ được tổ chức tại gia đình và ruộng lúa, cầu mong Yàng phù hộ cho gia đình luôn có sức khoẻ, bình an và có vụ mùa bội thu.
Ông Rơ Chăm Phăn – Làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh nói: “Lễ này hàng năm gia đình nào có cũng làm hết, để ông trời cho lúa nhiều thì mình làm mãi thôi. Mình không quên chuyện này, theo phong tục tập quán của dân tộc mình để hàng năm không đói, có ăn và mãi mãi.
Nếu như Lễ Pơ Jrao được tổ chức khi lúa trổ bông thì Lễ Mừng lúa mới được cộng đồng người Jrai tổ chức khi đã thu hoạch lúa vụ mùa xong. Lễ tổ chức để tạ ơn và cầu xin các thần linh phù hộ một mùa bội thu. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm tại ruộng lúa hoặc nhà rông. Kết thúc phần lễ, người Jrai tập trung dưới mái nhà rông, cùng đánh chiêng và chúc nhau sức khỏe, đoàn kết, vụ mùa mới bội thu.
Già làng AmLuih – Làng Ia Gri, Chư Đang Ya, huyện Chư Păh chia sẻ: “Mình không cúng thì con cháu nó đau ốm thì sao. Mình phải cúng trước, cúng lúa xoay quanh nhà rông, dân làng, có con heo, con gà, nhà rông, dân làng. Bà con, con cháu phải học tập cho giỏi rồi sau này bắt chước theo mình.”
Những lễ hội truyền thống đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thế hệ thanh niên là những người tiếp nối, học hỏi, phát huy để những lễ hội không bị mai một, mất đi.
Anh Rơ Châm Mung – Làng Kép, xã Ia Phí, huyện Chư Păh bày tỏ: “Tham gia Lễ mừng lúa mới rất là vui, đó là truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại từ ngày xưa. Mình là giới trẻ cần phát huy những gì ông cha đã để lại.”
Huyện Chư Păh hiện vẫn còn gìn giữ, bảo tồn các lễ hội truyền thống như: Mừng lúa mới, Cúng giọt nước, Pơ Thi, Mừng nhà rông mới… Các lễ hội được tổ chức không chỉ mang giá trị về mặt tín ngưỡng mà còn tập hợp nhân dân, thắt chặt tình đoàn kết và thể hiện các giá trị nghệ thuật đặc sắc như biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, làm cây nêu…Đặc biệt, thời gian gần đây, huyện còn lồng ghép việc bảo tồn các nghi lễ truyền thống với phát triển du lịch tại địa phương.
Ông Nguyễn Minh Đức – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chư Păh cho biết: “Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức phục dựng các lễ hội trên địa bàn huyện; tổ chức biểu diễn cồng chiêng cũng như phục dựng lễ Mừng lúa mới để du khách trên địa bàn và trong nước về tham quan và biết được cái truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện.”
Việc tổ chức bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống của dân tộc Jrai trên địa bàn huyện Chư Păh sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gì và phát huy giá trị văn hóa. Đồng thời khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.
CTV Diễm Ly – Bùi Đại
Lượt xem: 19