Chư Mố-Niềm vui mùa “mía ngọt”

Cập nhật 06/12/2017, 08:12:41

Trồng mía không còn là chuyện xa lạ với bà con Jrai, Bơhnar ở Gia Lai. Thế nhưng, việc nhiều gia đình tự nguyện góp đất tạo thành cánh đồng mía lớn, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở một xã vùng sâu như Chư Mố, huyện Ia Pa đang trở thành một câu chuyện vui, được nhiều người quan tâm và tìm hiểu trong những năm gần đây.

Ở xã Chư Mố, ông Kpa Nguyên được nhắc đến nhiều bởi tinh thần dám nghĩ, dám làm. 4 năm trước, ông  Kpa Nguyên đã vận động 7 hộ dân trong làng cùng liên kết đất đai để thâm canh cây mía. Đó là một quyết định khiến nhiều người khó hiểu, thậm chí là nghi ngờ.

Ông Kpa Nguyên, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, Gia Lai  cho biết: “Nếu một mình gia đình làm thì diện tích nhỏ, việc thuê mướn máy móc sẽ gặp khó khăn. Nếu liên kết được nhiều hộ với nhau thì diện tích sẽ nhiều hơn và các thành viên sẽ hỗ trợ bù trừ cho nhau về vốn đầu tư, công chăm sóc như vậy sẽ tiết kiệm được chi mà năng suất lại tăng. Vì vậy mà tôi quyết định thử nghiệm làm cánh đồng lớn”.

Không gì bằng sự thật, vụ đầu tiên năng suất mía của mô hình cánh đồng liên kết hộ của ông  Kpa Nguyên cao hơn 15 tấn/ha so với cách làm cũ. Đây chính là khởi đầu cho cánh đồng mía lớn được triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây ở Chư Mố. Bước đột phá không chỉ dừng lại ở việc dồn điền, đổi thửa mà điạ phương còn tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp, thay đổi tư duy sản xuất… điều mà bà con Jrai xưa nay chưa bao giờ làm được.

Ông Rmah Prơn – Phó Chủ tịch UBND xã Chư Mố, huyện Ia Pa, Gia Lai  cho biết: “Sau khi hợp tác với nhà máy, bà con được đi tham quan cách làm từ các địa phương, mọi người rất là phấn khởi với cách làm mới, ai cũng kỳ vọng là cách làm này sẽ cho hiệu quả kinh tế cao và địa phương sẽ nhanh chóng phát triển”.

Nhiều diện tích sản xuất lúa nước một vụ kém hiệu quả được bà con dồn điền, chuyển đổi thành cánh đồng mía lớn. Được trồng cùng một giống mía, cùng chăm sóc, thu hoạch theo một quy chuẩn. Lần đầu tiên, bà con Jrai nơi đây canh tác có sự tham gia của máy móc, không còn vất vả trong mỗi vụ xuống giống hay mùa thu hoạch như trước, vui hơn là cách làm mới, mía luôn  xanh tốt.

Nhà máy đường Ayun Pa đã đồng hành liên kết với bà con nông dân Jrai ở Chư Mố. Không chỉ hỗ trợ về giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật, nhà máy đã cam kết bao tiêu 100% sản phẩm của bà con. Điều này, càng giúp bà con thêm vững tin trong cách làm mới.

 Ông Nguyễn Bá Chủ – Tổng GĐ Công ty cổ phần mía đường nhiệt điện Gia Lai nói: “Chuẩn bị bước vào vụ thu sản xuất mới 2017-2018, hôm nay ra thăm ruộng mía cùng bà con thì rất vui là thấy bà con làm rất tốt. Mía như thế này ước tính là trên 100 tấn/ha. Nay thì bà con hãy bảo vệ, chống cháy, khi kiểm tra đủ tiêu chuẩn thì nhà máy sẽ cho thu hoạch một lần cho nhanh, tiết kiệm. Chúc mừng bà con có một mùa mía thành công”.

Ông Huỳnh Vĩnh Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Cách làm mới không chỉ đồng hành qua khẩu hiệu mà phải gắn chặt đưa nó trở thành một cái tiêu điểm trong phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương. Kết quả năm 2016 là ngoài mong đợi, sự thành công không chỉ là năng suất mía cao mà là sự thay đổi tư duy của bà con dân tộc thiểu số trong việc làm cánh đồng lớn”.

Những năm gần đây, khi nông dân ở nhiều nơi vẫn đang loay hoay cho đầu ra của cây mía thì bà con Jrai ở Chư Mố luôn có được niềm vui của những vụ mùa “mía ngọt”. Trừ chi phí sản xuất, cây mía đã giúp nhiều gia đình ở Chư Mố có thu nhập lên đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Lần đầu tiên bà con Jrai đã coi trồng mía là một hướng để làm giàu./.

Kim Ngân, Mạnh Hà


Lượt xem: 38

Trả lời