Chế biến cà phê để nâng cao giá trị – Xu hướng mới của nhiều nông dân

Cập nhật 15/11/2019, 08:11:21

Vốn là cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, song nhiều năm trở lại đây, thu nhập từ cây cà phê của người nông dân không cao và chưa tương xứng với tiềm năng của loại cây trồng này. Trước thực trạng này, nhiều nông dân ở Gia Lai đã nghĩ cách chế biến cà phê, đưa trực tiếp ra thị trường mà không qua thương lái, doanh nghiệp chế biến nào. Ghi nhận tại huyện Ia Grai

Gia đình ông Lê Văn Hiếu ở thôn Thanh Hà, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai đã gắn bó với cây cà phê hàng chục năm nay. Vất vả “một nắng, hai sương” là thế nhưng thu nhập từ cây cà phê những năm gần đây khá bấp bênh, đặc biệt là việc giá xuống thấp khiến hiệu quả kinh tế không cao. Trước vấn đề nan giải là làm như thế nào để vừa có thu nhập cao vừa tiếp tục gắn bó được với cây cà phê, gia đình ông đã lựa chọn giải pháp là chế biến cà phê thành sản phẩm bột để bán cho người tiêu dùng. Là hộ đầu tiên thực hiện mô hình rang xay cà phê tại địa phương, khoảng 5 năm nay, hàng năm gia đình ông Hiếu đã rang, chế biến được hơn 10 tấn cà phê nhân, trong đó, cà phê của gia đình sản xuất từ 3 đến 4 tấn. So với việc bán cà phê tươi, theo ông Hiếu, chế biến cà phê thành sản phẩm để bán trực tiếp thì giá trị kinh tế thu lại ít nhất cũng được gấp 2 lần.

Ông Lê Văn Hiếu – Thôn Thanh Hà, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai chia sẻ “Khi mà giá cà phê sụt giảm, tính toán đầu ra thấy thu nhập không đáp ứng nên tôi phải tìm nguồn cho đầu ra từ a đến z. Do đó tôi quyết định sắm máy, quanh đây bà con cũng nhờ xay để uống, hoặc các nhà có mối thì cũng qua bên tôi xay để bán. Có người 1 năm xay 7,8 tạ đến 1 tấn để giao. Thấy bên ngoài người ta thêm hóa chất mình không thích nên mình làm. Người ta biết mình không có hóa chất nên họ đặt hàng thôi./ Kỹ thuật thì mình nắm trong tay, tất cả mình được chuyển giao kỹ thuật hết đi Sài Gòn để học, mình nắm đúng quy cách chế biến.”

Theo ông Hiếu, muốn có được sản phẩm cà phê sạch, đảm bảo chất lượng, bản thân hạt cà phê phải được sản xuất sạch. Do đó, ngoài việc áp dụng quy trình kỹ thuật 4C vào trồng cây cà phê, gia đình ông cũng luôn tự tay chọn những quả cà phê chín đẹp, đảm bảo chất lượng để rang, xay. Hiệu quả mang lại từ mô hình này đang mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng là liên kết sản xuất để tiêu thụ sản phẩm cho bà con xã Ia Hrung – nơi có nhiều diện tích cà phê trồng theo quy trình kỹ thuật 4C.

Ông Phan Văn Hoàng – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tâm Thành, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết “Đây là mô hình đầu tiên, gia đình tự đầu tư, sang năm chúng tôi sẽ học hỏi và nhân rộng ra. HTX có 7 đội sản xuất thì phấn đấu 1 đội có 1 hộ gia đình hoặc khu vực đó có 1 mô hình như thế này để nâng cao giá trị sản xuất.”

Người dân tự trồng cà phê, tự chế biến thành sản phẩm để bán ra thị trường để nâng cao giá trị kinh tế là hướng đi tích cực. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Ia Grai, hướng đi này mới chỉ dừng lại ở mức tự phát và quy mô nhỏ. Do đó, để hướng đi này thực sự mang lại hiệu quả đối với người trồng cà phê còn rất nhiều điều phải bàn.

Ông Đào Lân Hưng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai nói “Huyện Ia Grai có 1 số hộ tự rang xay thành sản phẩm bột để bán ra thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm là có. Tuy nhiên so với sản lượng trên 50.000 tấn của huyện là không đáng kể. Đây là một hướng đi tích cực.///Theo triển khai của huyện, việc thực hiện đề án tái cơ cấu của cấp trên theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm cà phê theo hướng chế biến sâu cũng được khuyến khích, triển khai thường xuyên nhưng kết quả  hạn chế. Giải pháp của huyện trong thời gian tới sẽ tập hợp tổ chức sản xuất cho bà con tạo thành những tổ hợp tác, liên kết một số nông dân cùng sở thích để tạo ra một lực lượng tương đối ổn định và sẽ khuyến cáo bà con tạo ra sản phẩm OCOP về cà phê.”

Cũng theo ông Đào Lân Hưng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ia Grai, thời gian tới, để khuyến khích xây dựng sản phẩm cà phê theo hướng OCOP, từ nguồn vốn chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện sẽ tập trung đầu tư hỗ trợ cho các công ty, doanh nghiệp đăng ký rang, xay cà phê trên địa bàn liên kết với bà con tạo ra sản phẩm cà phê bền vững theo hướng sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn 4C./.

Ngô Thanh – Minh Trung


Lượt xem: 75

Trả lời