Cây cầu nghĩa tình

Cập nhật 06/6/2022, 07:06:15

Bên cạnh cây cầu mới bắc qua sông Ba hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2014 đã tạo điều kiện đi lại cho người dân sinh sống ở các xã: Ia Tul, Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Broăi, xã Ia Mrơn thuộc huyện Ia Pa thì vẫn có một cây cầu tạm đã tồn tại hàng mấy chục năm nay mà người dân ở đây vẫn thường gọi là cầu “Ma Cương” – tên gọi đứa con đầu của ông Ksor Yan ở xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa. Ông Ksor Yan chính là người đã gắn bó với khu vực sông Ba, nơi nối liền giữa hai xã Ia Kdăm và xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa bằng cây cầu gỗ do chính tay ông tự làm. Sự tồn tại của cây cầu gỗ tạm vừa xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân, vừa thể hiện tình cảm của ông Ksor Yan với bà con dân làng.

Cây cầu gỗ tạm bắc qua sông Ba nối liền giữa 2 xã Ia Kdăm và xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa có chiều dài gần 200 mét, sử dụng trong 6 tháng mùa khô, còn trong 6 tháng mùa mưa khi nào nước dâng cao, lúc đó người dân mới ngừng đi lại qua khu vực này.

Chị Ksor H’Chấp – Xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa nói: “Đi một lần thì 5 nghìn, đi qua 2 lần thì 10 nghìn. Đi bộ không mất tiền. Nhiều người đi lắm, đi ban đêm, ban ngày.”

Ông Ksor Neo – Xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa nói: “Từ khi mùa khô đến tháng 9, tháng 10 mưa lụt cầu trôi đi. Khi mùa khô lại tiếp tục làm lại nữa. Ông chủ không đòi hỏi gì hết, tuỳ lòng hảo tâm mình có bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu. Một số bà con không có tiền đi không cũng được.” 

Hiện tại, Gia Lai đã bắt đầu bước vào mùa mưa, như thường lệ thì tầm cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 nước dâng cao thì cầu này sẽ tự trôi. Người dân ở đây ngoài gọi cây cầu tạm là cầu “Ma Cương” thì nó còn có một tên gọi khác là cây cầu nghĩa tình của ông Ksor Yan.

Ông Ksor Yan – Xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa cho biết: “Mấy đứa đi qua đi lại có tiền thì đưa không có tiền thì thôi, ông già không có đòi hỏi gì hết. Từ tháng 1 đến tháng 7 thôi, cứ đến tháng 6, tháng 7 mưa 3 đến 4 ngày là nó trôi. Neo lại có thì sang năm làm lại, không có đi mua cây người ta về làm.”

Mặc dù là cây cầu tạm nhưng năm nào cũng được làm mới, phục vụ cho hàng trăm lượt người qua lại mỗi ngày. Ai có tiền thì gửi lại tiền công cho ông Ksor Yan mỗi lần đi qua, ai không có tiền cũng cứ thế mà đi, ông không đòi hỏi gì. Năm nay ông Ksor Yan đã gần 70 tuổi, nhưng có tới 50 năm gắn bó với khu vực này. Ông bảo: ông còn sức, bà con dân làng còn nhu cầu đi lại thì ông vẫn tiếp tục làm cầu tạm để phục vụ bà con./.

Lệ Xuân – R’Piên


Lượt xem: 13

Trả lời