Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở Đăk Drjăng, huyện Mang Yang

Cập nhật 21/4/2017, 08:04:54

Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự đồng lòng nhất trí của người dân, thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều câu chuyện ý nghĩa, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Câu chuyện phát huy vai trò của người dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới tại xã Đăk Drjăng, huyện Mang Yang là một ví dụ.

Đông vui, nhộn nhịp và đa dạng các sản phẩm hàng hóa là điều dễ nhận thấy ở chợ nông thôn xã Đăk Drjăng, huyện Mang Yang. Không như trước đây, các tiểu thương có thói quen buôn bán tại ngã ba đường- nơi đi vào 5 xã phía nam của huyện Mang Yang, nằm trên tỉnh lộ 666 và quốc lộ 19. Tình trạng này kéo dài, không chỉ khiến chợ xây xong bị bỏ trống một thời gian dài mà việc buôn bán của người dân ở đoạn đường này khiến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông và làm mất mỹ quan khu dân cư. Sau quá trình tuyên truyền, thuyết phục, hiện nay các tiểu thương đều hưởng ứng nhiệt tình chủ trương vào chợ để buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Thủy, xã Đăk Drjăng, huyện Mang Yang cho biết: “Tôi bán ở đây từ năm 2007, rồi bán ở chợ ở ngoài ngã ba bán ở đây ít hơn nhưng ổn định không phải đi đi lại lại khổ, hàng hóa không phải chuyển đi chuyển lại. Tôi thấy được ổn định, buôn bán cũng ổn định, nguồn thu nhập cũng ổn”.

Câu chuyện cả làng Đê Rơn, xã Đăk Drjăng, huyện Mang Yang tự nguyện quyên góp mỗi người 600 nghìn đồng để xây cây cầu sắt Pơ tu có trị giá 74 triệu đồng này đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Bởi nhờ có cây cầu sắt Pơ tu, không chỉ giúp bà con đi ra khu sản xuất dễ dàng, không phải lội suối vất vả, nguy hiểm như trước kia…mà hơn hết cây cầu này còn thể hiện sự đoàn kết, chung sức một lòng vì lợi ích chung của cộng đồng.

Ông Srút, làng Đê Rơn, xã Đăk Drjăng, huyện Mang Yang nói: “Có cầu rồi đi thoải mái, chứ năm 2015 con trâu cũng đi đường suối, con người cũng đi đường suối bây giờ có cầu rồi lúa cũng đẹp, cà phê cũng đẹp”.

Xã Đăk Drjăng hiện có trên 5000 khẩu, trong đó có gần 40% là người dân tộc thiểu sô, thời gian qua, địa phương đã xác định rõ ràng những phần việc nào nhà nước hỗ trợ và phần việc nào người dân có thể tự làm, sau đó làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền lợi ích mang lại của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân.

Bà Phạm Thị Bẩy – Bí thứ Đảng ủy xã Đăk Drjăng, huyện Mang Yang cho biết: “Khi chúng tôi ra được nghị quyết đề nghị các ủy ban phải xây dựng được kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện và đồng thời triển khai các mặt trận đoàn thể cũng cần có kế hoạch cho mình, chúng tôi kiểm tra đáng giá hàng tháng, chính quyền tổ chức thực hiện, mặt trận tổ chức tuyên truyền vận động. Nhờ sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, anh làm công tác dân vận tốt, khéo sẽ thành công”.

Giai đoạn 2016 – 2020 bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới được đặt ra cao hơn so với bộ tiêu chí cũ. Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của người dân, xã Đăk Drjăng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện 4 tiêu chí còn lại, phấn đấu hoàn thành kế hoạch cuối năm 2017 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới./ .

Thanh Vui,  Viễn Khánh


Lượt xem: 150

Trả lời