Câu chuyện dân số ở Ayun

Cập nhật 29/9/2017, 08:09:31

 Với hơn 62% số dân là đồng bào DTTS, cuộc sống của người dân ở xã Ayun (huyện Mang Yang) vài năm trở lại đây đã có những đổi thay đáng kể nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng ý chí nỗ lực vươn lên thoát nghèo của chính người dân nơi đây. Tuy nhiên vì vẫn còn những tồn tại về hủ tục của bà con DTTS từ bao đời nay, nên hiện Ayun vẫn còn là một trong 4 xã của huyện Mang Yang có tỷ lệ tảo hôn cao. Và câu chuyện về dân số cũng như những giải pháp để đảm bảo cho chất lượng dân số là vấn đề mà chính quyền xã Ayun đã và đang hết sức quan tâm.

Chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, thế nhưng cả hai em Yun và Săng ở làng Vai Vêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) vẫn tổ chức đám cưới vào ngày 27/02/2017 vừa qua khi “người chồng” mới 19 tuổi, còn “người vợ” cũng chỉ mới tròn 17 tuổi. Hiện tại “cặp vợ chồng trẻ này” đã có một đứa con vừa tròn 01 tháng tuổi; thế nhưng với tập tục của bà con DTTS từ bao đời nay, dù muốn hay không thì cái khổ vẫn là điều trước mắt với họ vì còn đang phải sống phụ thuộc vào gia đình, bố mẹ.

Ayun là 1 trong 4 xã của huyện Mang Yang cùng với Kon Chiêng, Kon Thụp và Lơ Pang hiện có tỷ lệ tảo hôn cao. Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn xã có 07 cặp tảo hôn, tập trung ở các làng Vai Vêng, Plei Bông và Kon Brung. Kết hôn khi chưa đủ tuổi cũng đồng nghĩa với vi phạm quy định về Luật Hôn nhân và gia đình, thế nhưng hậu quả tác động lâu dài và nghiêm trọng hơn đó là chất lượng dân số tương lai bị đe dọa khi những đứa trẻ sinh ra không được nuôi dưỡng tốt, thiếu dinh dưỡng.

Chị Mai Thị Tình – Cán bộ dân số xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai  cho biết: “Tình trạng tảo hôn thì đa số ở đồng bào DTTS. Do điện thoại di động, truyền thông, thông tin đại chúng rất phổ biến tới từng nhà nên giới trẻ học hỏi theo rất là nhiều. Với lại ý thức của người dân còn rất là thấp nên tình trạng tảo hôn còn diễn ra”.

Kêu gọi sự chung tay tham gia của các tầng lớp nhân để ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã, một câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” đã được thành lập ở làng Kon Brung vào tháng 3/2017. Định kỳ trong thời gian đầu, 3 tháng sinh hoạt một lần để các thành viên câu lạc bộ có dịp trao đổi kinh nghiệm trong nuôi dạy con cái, đồng thời qua đó giúp tuyên truyền về những hậu quả của tình trạng tảo hôn để giáo dục và dạy bảo con cái.

Ông Đô – Thôn trưởng làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: “Tôi cũng là chủ nhiệm bên câu lạc bộ, cũng thông qua với bà con, nhất là phụ nữ để động viên không để con cái mình lấy vợ lấy chồng sớm. Tôi thấy con em nhỏ lấy chồng, lấy vợ thì cũng khó coi quá. Chưa đủ 18 tuổi thì nhỏ quá, hai nữa là sức khỏe của người phụ nữ thì cũng rất yếu, sinh đẻ thì con cái cũng không phát triển khỏe mạnh được”.

 Không phải là câu chuyện mới mà tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lâu nay vẫn đang là vấn đề day dứt tại nhiều vùng đồng bào DTTS; và đó cũng chính là hệ lụy của khó khăn, đói nghèo, bệnh tật và chất lượng cuộc sống thấp. Chính vì vậy mà để giải quyết được tình trạng này, trước hết cần phải khắc phục được các tình trạng như đói nghèo, lạc hậu, bất bình đẳng giới; đồng thời, phải làm sao để nâng cao hơn nữa dân trí cho mỗi người dân./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 169

Trả lời