Cảnh báo tình trạng thanh thiếu niên dân tộc thiểu số điều khiển phương tiện không đủ điều kiện

Cập nhật 07/5/2020, 07:05:16

Điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi cấp giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu khi tham gia giao thông đang thực sự trở thành vấn nạn tại các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cũng chính từ hành vi xem nhẹ việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, mới đây thôi, 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã liên tiếp xảy ra tại địa bàn xã Ia Kriêng, huyện biên giới Đức Cơ khiến 7 thanh thiếu niên thương vong đã làm cho thực trạng đau lòng này càng trở nên nhức nhối.

Những ngày qua, nhiều bà con tại xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ đều bỏ hết mọi công việc đồng áng, nương rẫy để làm đám tang cho các thành viên trẻ tuổi của cộng đồng. Họ là những người đã tử nạn trong 2 vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trên địa bàn xã vào đêm ngày 3 và rạng sáng 4.5 vừa qua khiến 6 người chết, 1 người bị thương đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng nguy kịch. Trong số này có đến 3 nạn nhân chỉ mới 14 tuổi. Cũng chỉ vì thiếu hiểu biết, lại nuông chiều con cái quá mức để giờ đây nhiều gia đình phải đau khổ khi mất đi những đứa con đứt ruột đẻ ra.

Anh Kpui Đêm – Làng Lung, xã Ia Kriêng, Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Nó đòi gia đình phải mua xe Ẹc cho giống bạn bè. Mẹ nó chiều nó nên bán đất mua cho nó. Giờ nó bị tai nạn chết, gia đình thấy hối hận lắm. Biết thế này không mua xe cho nó đâu”.

Với hầu hết các gia đình người dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu của tỉnh Gia Lai, việc mua xe cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện đã trở nên phổ biến. Đặc biệt, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng cũng sẵn sàng bán đất, bán vườn cho con tiền để mua xe máy theo ý thích. Vì thế, các loại xe máy phân khối lớn, tốc độ cao luôn xuất hiện dày đặc tại các buôn làng, kể cả những nơi vùng sâu, vùng xa nhất. Giờ đây hậu quả nặng nề để lại cho rất nhiều gia đình: Con chết, xe nát và đất cũng không còn…

Ông Kpui Chul – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng, Đức Cơ, Gia Lai cũng nói: “Hay đua đòi với bạn bè nên bắt cha mẹ chiều theo ý. Nhiều nhà nghèo cũng phải cố gắng vì không mua con nó sẽ tự tử. Hiện trạng này khá phổ biến trên địa bàn xã”.

Ông Lê Văn Hạnh – Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết: “Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh để giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp chính quyền, cũng như người đứng đầu các tổ chức thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh là sâu sát hơn nữa. Đặc biệt đối với các già làng, trưởng bản chú trọng khuyên bảo các cháu thanh thiếu niên và có cam kết của cha mẹ, phụ huynh khi giao xe cho con là phải đảm bảo an toàn giao thông”.

Chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện, thiếu hiểu biết Luật Giao thông đường bộ nhưng lại thừa tính bốc đồng, hay sử dụng rượu bia…việc thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số điều khiển xe máy với tốc độ cao luôn là nỗi ám ảnh tham gia giao thông, bất kể trên các tuyến quốc lộ đến những vùng sâu vùng xa. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong lứa tuổi thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số khiến 15 người chết, 6 người bị thương./.

Đoàn Bình


Lượt xem: 69

Trả lời