Cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Cập nhật 24/4/2023, 16:04:05

Với đặc thù của tỉnh miền núi Tây nguyên có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 46%, Gia Lai là 1 trong 51 tỉnh, thành được ưu tiên triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động của dự án, bên cạnh những kết quả đạt được các địa phương trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời để tiếp tục triển khai dự án đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

Với 8 chỉ tiêu và 4 nhóm nội dung chính, Dự án 8 được triển khai tại 42 xã đặc biệt khó khăn và 192 thôn, làng đặc biệt khó khăn của 15 huyện, thị xã trong tỉnh Gia Lai. Với sự nỗ lực tham mưu của Hội LHPN các cấp và sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các nhiệm vụ của dự án trong năm 2022 bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên với nhiều nội dung mới và lần đầu tiên triển khai nên các cấp Hội LHPN trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Bà Rơ Chăm H’Hồng – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trưởng Ban Điều hành Dự án 8 tỉnh Gia Lai trao đổi: “Dự án 8 đang trong giai đoạn đầu triển khai vì vậy còn nhiều khó khăn/ vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp khắc phục trong thời gian tới như: nguồn vốn phân bổ lớn, cán bộ Hội ít, chưa có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện dự án nên khó khăn trong triển khai thực hiện; phân bổ vốn năm 2022, chuyển nguồn sang năm 2023 chậm dẫn đến việc triển khai các nội dung, hoạt động của Dự án 8 gặp khó khăn; một số địa phương chưa triển khai được các hoạt động liên quan đến 04 nội dung của Dự án 8 hoặc triển khai còn chậm, muộn; các văn bản hướng dẫn có một số nội dung chưa cụ thể, rõ ràng khó khăn cho việc triển khai thực hiện Dự án tại cơ sở;… Hội nghị hôm nay có ý nghĩa quan trọng giúp cho Ban điều hành Dự án 8 cấp tỉnh và các huyện, thị xã đánh giá kết quả đã đạt được năm 2022, chia sẻ, làm rõ hơn những khó khăn/vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở đó, thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 năm 2023.”

Tính đến giữa tháng 4/2023, 15/15 huyện, thị xã triển khai Dự án 8 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và bước đầu thành lập, vận hành các mô hình cốt lõi của dự án. Theo đó đã thành lập 80 “Tổ truyền thông tại cộng đồng”  với 746 thành viên; 11 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với 330 thành viên; 17 mô hình “Địa chỉ tin cậy” với 189 thành viên… Các mô hình, câu lạc bộ, hoạt động của dự án ngày càng thu hút nhiều hội viên, phụ nữ và trẻ em DTTS tham gia, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho từng địa phương được hưởng lợi. Tuy nhiên với đặc thù của địa phương có tỉ lệ người DTTS chiếm tỉ lệ cao, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế và vẫn còn không ít những hủ tục lạc hậu, nhất là nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS, phụ nữ DTTS còn tự ti, an phận… nên trong quá trình triển khai, Hội LHPN cấp huyện, cấp xã gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Bà Rơ Ô Lễ – Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pa, Gia Lai nói: “Trong quá trình triển khai có những khó khăn, vướng mắc vì là nội dung mới trên địa bàn huyện cũng như của tỉnh, vấn đề liên quan đến hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán cũng bất cập, khó khăn cho hội vì mình làm thực tế nhưng khi xử lý hồ sơ để thanh quyết toán cũng phải nghiên cứu dần, cũng mong muốn cấp trên hướng dẫn cụ thể thủ tục để các cấp hội áp dụng cho đúng quy định. Thứ 2 là huyện Krông Pa vốn phân bổ về Hội LHPN huyện chứ không phải xã nên cũng bất cập để Hội thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Hội chỉ giám sát phần thực hiện chứ không giám sát phần thực hiện kinh phí, cũng mong muốn sự phối hợp của cấp xã với Hội để thực hiện Dự án 8 được tốt hơn.”

Bà Rơ Ô H’Rin – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Đức Cơ là địa bàn mà tình trạng tảo hôn rất cao nên việc triển khai Dự án 8 đối với người được hỗ trợ, cặp vợ chồng phải đủ tuổi kết hôn, nữ phải 18 tuổi nên việc triển khai cũng khó khăn, vướng mắc để giải ngân số tiền cho phụ nữ sinh sản. Thứ 2 là văn bản đang có những bất cập nên mong muốn Hội cấp trên, các sở, ban, ngành có văn bản hướng dẫn để cấp cơ sở triển khai thực hiện cho đúng quy định.”

Để tổ chức thực hiện Dự án 8 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đảm bảo hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu cầu của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, Hội LHPN tỉnh Gia Lai đề nghị các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục bám sát các văn bản có liên quan để chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của dự án đảm bảo đúng tiến độ; quản lý, sử dụng kinh phí một cách hiệu quả và đúng quy định; đồng thời đề xuất Trung ương Hội LHPN Việt Nam sớm xây dựng bộ khung chi tiết quy định mức chi cụ thể liên quan đến các hoạt động Dự án 8  để đảm bảo cho việc thực hiện và thanh quyết toán. Bên cạnh đó, Hội LHPN 15 huyện, thị xã chỉ đạo Hội LHPN cấp xã triển khai các hoạt động của Dự án 8 một cách nghiêm túc, khoa học, hiệu quả, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp nhằm góp phần làm thay đổi căn bản thực trạng bình đẳng giới và đời sống kinh tế – xã hội của phụ nữ tại vùng DTTS và miền núi, qua đó thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em vùng DTTS trên địa bàn tỉnh./.

Thiên Thanh – Huy Toàn


Lượt xem: 56

Trả lời