Cần sớm bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông mới

Cập nhật 13/10/2022, 16:10:39

Năm học 2022 – 2023 là năm thứ 2 các trường trung học cơ sở (THCS) thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ở chương trình mới này có 2 môn tích hợp là môn Khoa học tự nhiên (KHTN), gồm 3 phân môn Lý, Hóa và Sinh; môn Lịch sử – Địa lý, gồm 2 phân môn Lịch sử và Địa lý. Còn lúng túng trước mỗi bài giảng là tâm trạng của không ít giáo viên dạy môn tích hợp, nhất là đối với môn KHTN ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Phụng, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Lơ Pang, huyện Mang Yang tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm chuyên ngành Hóa – Sinh. Năm học 2022 – 2023, cô được phân công giảng dạy môn tích hợp KHTN lớp 7 với 3 phân môn là Vật lý, Hóa học và Sinh học. Ở 2 phân môn Hóa học và Sinh học, vì được đào tạo đúng chuyên ngành nên việc truyền đạt kiến thức cho học sinh đối với cô cũng tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, cô Phụng cho biết, bản thân rất lo lắng đối với nội dung của môn học tích hợp KHTN phân môn Vật lý, vì cô chưa được đào tạo sâu hay bồi dưỡng kiến thức ở chuyên ngành này. Cô giáo Phụng nói: “Khi chuyển qua phân môn Vật lý thì bản thân tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ và cũng có những công thức rất là khó. Đối với phần này, nhà trường cũng phân công tôi dạy luôn nhưng chỗ nào không hiểu thì mình nhờ giáo viên môn Lý hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm để truyền đạt cho học sinh nhằm đảm bảo kiến thức cho các em”.

Vì chưa được đào tạo dạy liên môn nên các giáo viên sẽ hỗ trợ cho nhau khi đến một phân môn không thuộc chuyên ngành của giáo viên nào đó dạy môn tích hợp đang là cách mà phần lớn các trường THCS trên địa bàn tỉnh thực hiện nhằm đảm bảo truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách tốt nhất. Ngoài ra, có một khó khăn khác mà các giáo viên dạy môn tích hợp KHTN đang gặp phải đó là việc chỉ đảm bảo kiến thức ở 3 phân môn Lý – Hóa – Sinh không vẫn là chưa đủ, mà đòi hỏi giáo viên cần nâng cao kĩ năng tiếng Anh, điển hình như ở phân môn Hóa học.

 Cô giáo Hồ Thị Tuyết Hằng, Giáo viên môn tích hợp KHTN, Trường THCS Nguyễn Huệ, TP. Pleiku cho biết:  “Ví dụ như một nguyên tố hóa học trước kia đọc là Hiđro, thì bây giờ bắt buộc giáo viên phải đọc theo chuẩn tiếng Anh là Hay – đờ – rạt, rồi như từ Các – bon thì phải đọc theo kiểu tiếng Anh là Ca – bòn… Cho nên các giáo viên mà dạy như bây giờ đòi hỏi phải học hỏi thêm không những riêng về kiến thức môn Hóa nữa mà còn phải trau dồi cả về kĩ năng đọc tiếng Anh nữa”.

Với sự thay đổi cơ cấu môn học từ đơn môn thành liên môn, giáo viên Sinh học nay dạy cả kiến thức Vật lý, Hóa học hay giáo viên Vật lý dạy luôn kiến thức Hóa học, Sinh học… nên hầu như các giáo viên đều rất lúng túng và lo ngại khi thực hiện các bài giảng không thuộc chuyên ngành đào tạo của mình. Tuy nhiên, hiện nay các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho tất cả giáo viên dạy môn tích hợp vẫn chưa được thực hiện để việc truyền đạt kiến thức cho học sinh được hiệu quả hơn.

Thầy giáo Võ Xuân Bá, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang cho biết: “Đề xuất các cấp sớm có kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên môn KHTN cũng như các môn tích hợp để giáo viên có kĩ năng, kiến thức cần thiết về chuyên môn. Có như thế mới thực hiện được Chương trình GDPT 2018”.

Cô giáo Trần Thị Kiều Diễm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, TP. Pleiku cho biết:  “Thứ 2 nữa là cũng mong Phòng Giáo dục quan tâm mở các lớp tập huấn giúp cho giáo viên dạy môn KHTN có kĩ năng tên nguyên tố Hóa học, các hợp chất, đơn chất bằng tiếng Anh. Bởi vì bây giờ đây cũng là một khó khăn rất là lớn đối với giáo viên khi hồi giờ ít có nói tiếng Anh mà giờ phải đứng trước các em đọc tên các nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh”.

Việc dạy học tích hợp thời gian đầu chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn vì đại đa số giáo viên hiện nay đều xuất thân từ dạy đơn môn. Do vậy, kịp thời triển khai công tác bồi dưỡng tập huấn các mô-đun để giáo viên chuyển từ dạy học đơn môn sang dạy tích hợp là hết sức cần thiết, giúp giáo viên kịp thời nắm bắt các phương pháp dạy học tích hợp theo chương trình mới, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay./.

Quốc Linh, Phi Long, Huy Toàn


Lượt xem: 9

Trả lời