Cần có cơ chế lâu dài để giữ chân nhân viên y tế

Cập nhật 12/8/2022, 17:08:00

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Gia Lai đã có 133 nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc, trong đó có 47 bác sĩ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhân viên y tế nghỉ việc tại các bệnh viện công là do áp lực công việc, thu nhập thấp. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân mà về lâu về dài các bệnh viện công cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc giữ chân nhân viên y tế nếu như câu chuyện về thu nhập, áp lực về công việc vẫn còn kéo dài trong thời gian tới.

Mỗi ngày, Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tiếp nhận và điều trị từ 50 đến 100 bệnh nhân. Công việc của đội ngũ nhân viên y tế ở đây vất vả kéo dài đã 3 năm nay, đỉnh điểm là dịch Covid – 19 và hiện tại là dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên cả khoa chỉ có 3 bác sĩ, 8 diều dưỡng. Vì công việc áp lực, trong khi mức thu nhập thấp nên từ đầu năm 2022 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có hơn 10 bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc để chuyển sang bệnh viện tư với mức thu nhập hấp dẫn hơn. Đối với nhiều người, nếu không vì yêu nghề sẽ khó có thể bám trụ lâu dài với công việc ở một bệnh viện công như hiện nay.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết: “Vừa rồi một số anh chị em hợp đồng, biên chế cũng nghỉ việc với lý do lương không đủ trang trải cuộc sống nên người ta tìm một môi trường nào đó lương phù hợp hơn để trang trải cuộc sống gia đình. Bản thân mình gắn bó với công việc một phần cũng là vì yêu nghề, gắn bó lâu với bệnh viện nên mình  muốn cùng với bệnh viện khắc phục thời điểm khó khăn này để phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân”.

Không chỉ công việc áp lực mà chế độ tiền lương mà các bệnh viện công trả cho các bác sĩ hiện cũng chưa phù hợp so với thời gian đào tạo một bác sĩ.

Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Nhi Gia Lai cho biết: “Một bác sĩ học 6 năm, sau đó lại phải thêm 18 tháng tập sự mới có chứng chỉ hành nghề mới thật sự là một bác sĩ  nhưng cũng chỉ hưởng lương hệ số ngang bằng với 1 ngành khác học 4 năm, đó là một bất cập. Nhân viên y tế bỏ công việc của nhà nước để ra làm tư do thu nhập khá hơn vì họ trả theo năng lực, theo công việc nên thu nhập khá so với nhà nước”.

Khó khăn từ áp lực công việc, chế độ tiền lương không chỉ tồn tại ở các bệnh viện tuyến tỉnh, mà nhiều bác sĩ, nhân viên y tế tuyến huyện, tuyến xã, phường trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đang chịu nhiều áp lực bởi một người phải kiêm rất nhiều việc, triển khai  nhiều nhiệm vụ trong cùng một thời điểm.

Y sĩ Rơ Mah Nung, Trạm Y tế phường Yên Thế, Tp. Pleiku cũng nói: “Bây giờ dịch sốt xuất huyết, dịch Covid – 19 bùng phát nhân viên y tế làm việc rất là cật lực, ngay cả đi tiêm phòng thứ 7, chủ nhật. Nói thật ra làm nghề này nói về thu nhập cá nhân của từng nhân viên y tế không đủ nhưng vì yêu mến nghề, bám vào nghề để hoàn thành nhiệm vụ phục vụ cho toàn dân”.

Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Gia Lai có 27 đơn vị sự nghiệp y tế công lập được giao quyền tự chủ về tài chính, tuy nhiên hầu hết các cơ sở y tế đều giảm gần 60% nguồn thu. Vì vậy trong  3 năm (2019 – 2021) ngân sách nhà nước đã phải cấp bù cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập của tỉnh trên 127 tỷ đồng.

Để giữ chân nhân viên y tế làm việc lâu dài tại các bệnh viện công, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã có kiến nghị cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế, đồng thời có chính đặc thù để đào tạo cán bộ y tế có trình độ sau đại học, chuyên môn sâu cho vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng ngang bằng với các tỉnh đồng bằng. Xem xét lại chế độ tiền lương và phụ cấp cho nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ phù hợp với thời gian đào tạo./.

Lệ Xuân,  R’Piên , Phi Long


Lượt xem: 6

Trả lời