Các trường tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mới

Cập nhật 04/1/2024, 16:01:17

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2, lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 tiếp tục được triển khai ở các khối lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Trong quá trình thực hiện, bên cạnh mặt thuận lợi, các trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên với mục tiêu đáp ứng chương trình mới nên mỗi trường đều đưa ra những phải pháp tối ưu để mang lại hiệu quả cao nhất.

Năm học 2023 – 2024, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Tp. Pleiku tiếp tục mở thêm 6 lớp bán trú đối với học sinh lớp 3, nâng tổng số các lớp học bán trú của nhà trường từ lớp 1 đến lớp 3 lên 18 lớp. Việc mở thêm các lớp học bán trú nên nhà trường phải triển khai thêm nhiều phần việc khác để góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Thầy giáo Trương Tiến Sĩ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Pleiku cho biết: “Nhà trường đã tuyển thêm nhân viên để làm công tác phục vụ bảo mẫu đảm bảo công tác bán trú cho các em. Về đội ngũ giáo viên nhà trường đã bố trí đầy đủ giáo viên bộ môn, nhạc họa, tin học, anh văn để tham gia giảng dạy. Về thực hiện công tác bán trú của khối 3 học sinh ngoài giờ học chính khóa, buổi chiều học sinh thực tham gia môn học trải nghiệm, giáo dục kĩ năng sống nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh. Chất lượng nề nếp của học sinh ngày càng được nâng lên.”

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Diễm – Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Pleiku nói: “Khó khăn trước mắt là trong công tác giảng dạy năm nay là năm đầu tiên dạy học bán trú 2 buổi/ngày ở lứa tuổi này các em rất là hiếu động cho nên là riêng bản thân mỗi giáo viên phải hết sức yêu nghề và có tâm trong công việc và tìm hiểu hoàn cảnh điều kiện của các em để mình có cách giáo dục khác nhau.”

Bên cạng đó, các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới. Đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Ngân – Trường Tiểu học Ngô Mây, thị xã An Khê cho biết: “Hiện nay giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh ở trường đã đáp ứng đủ yêu cầu, hiện nay đội ngũ giáo viên của nhà trường rất trẻ và sáng tạo. Đồng thời giáo viên ở An Khê cũng như ở tại trường tôi được phòng GD&ĐT tập huấn các chuyên đề và một trong những chuyên đề nổi bật đó là chuyên đề dạy học tích cực và Stem. Hai chuyên đề này đã góp phần giáo viên phát triển năng lực của mình và đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng dạy và học.”

Thầy giáo Nguyễn Quang Tuyến – Hiệu trưởng Trường THCS Đề Thám, thị xã An Khê trao đổi: “Nhà trường đã xây dựng kế hoạch cũng như là phân công các thành viên cũng như rà soát lại các tiêu chí về xây dựng trường chuẩn cũng như các tiêu chí khác. Cụ thể là cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học, đội ngũ nhân sự cũng như các điều kiện khác để thực hiện tốt nhiệm vụ của nhà trường vì xây dựng chuẩn quốc gia để hướng tới một môi trường học tập cho các em với đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay đó là chuẩn quốc gia đạt các yêu cầu cần thiết trong dạy và học hiện nay.”

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với những cấp học tiếp theo, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương rà soát, xác định nhu cầu đầu tư, xây dựng kế hoạch và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 của Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông”. Nghiên cứu đề xuất các hạng mục, địa bàn ưu tiên đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, bố trí các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn để thực hiện đầu tư tăng cường cơ sở vật chất nhằm đáp ứng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Lệ Xuân – Thanh Sáng – Huy Toàn


Lượt xem: 3

Trả lời