Các loại hạt đặc trưng của địa phương thu hút khách dịp Tết

Cập nhật 04/2/2024, 09:02:09

Những năm gần đây, các loại hạt đặc trưng tỉnh Gia Lai được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, nhất là dịp Tết Nguyên đán với những loại hạt là sản phẩm OCOP của các địa phương có sức tiêu thụ mạnh hơn. Vì vậy, các chủ thể sản xuất đã và đang tất bật chuẩn bị sản phẩm để cung ứng thị trường.

Là 1 trong những thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hoàng Đức, ở thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, cơ sở của chị Bùi Thị Nữ Nhi chuyên thu mua, cung cấp các loại hạt được rang, sấy như mắc ca, hạt điều,…Trong thời điểm cận tết, các mặt hàng phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao, vì vậy hiện nay cơ sở đang tăng cường chế biến, đóng gói, cung ứng sản phẩm ra thị trường. Đặc biệt, sản phẩm hạt điều của cơ sở là sản phẩm OCOP 3 sao đã tăng thêm niềm tin đối với khách hàng về mẫu mã và chất lượng.

Chị Bùi Thị Nữ Nhi – Thị trấn Kon Dơng huyện Mang Yang chia sẻ: “Tôi là thành viên hợp tác xã Hoàng Đức, hợp tác xã thành lập nhằm thu mua các mặt hàng nông sản của địa phương như măng khô, hạt điều, mắc ca để nhằm tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập. Hiện tại đây là mùa tết, hạt điều là sản phẩm phục vụ hằng ngày cho tất cả mọi người. Vào dịp tết những sản phẩm như hạt điều, mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, cũng là nông sản của địa phương.”

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Gia Lai phù hợp để cây điều, cây mắc ca sinh trưởng, phát triển với năng suất ổn định. Cùng với đó, các loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao nên người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn, vì  vậy trong dịp Tết Nguyên đán, các sản phẩm không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về giá cả. Hiện nay, hạt điều có giá dao động từ 220 ngàn đến 240 ngàn đồng/kg; mắc ca có giá từ 200 ngàn đến 250 ngàn đồng/kg. Đa số các mặt hàng đều tăng khoảng 20 ngàn đồng/kg. Trong đó, được mệnh danh là “nữ hoàng hạt khô”, hạt mắc ca được nhiều người tìm mua. Vì vậy, cơ sở thu mua cũng tăng lượng dự trự hàng từ đầu vụ để đáp ứng lượng hàng cung ứng ra thị trường. Đặc biệt, các địa phương cũng quan tâm xây dựng thương hiệu  nhằm tạo uy tín đối với người tiêu dùng để phát triển sản phẩm trên thị trường.

Chị Võ Thị Liên – Chủ cơ sở Mắc ca sấy Bảo An, Tổ dân phố 8, thị trấn Kbang, huyện Kbang nói: “Hằng năm tôi có ký hợp đồng với các hộ dân, thu mua cho các hộ dân đảm bảo đầu ra ổn định. Tôi làm năm nay cũng đã 10 năm, liên kết với các hộ dân thu mua. Năm đây tôi mua vào 10 tấn, tôi còn mua cho những cơ sở khác nữa, tại cơ sở tôi làm lâu rồi nên dân cũng tin tưởng, khi ký kết là mua từ đầu đến cuối, không bỏ vườn giữa chừng. Năm nay tôi mua cho các cơ sở khác tầm 30 tấn.”

Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Trường phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Kbang cho biết: “Đối với những hộ dân trồng, sản xuất chế biến quảng bá sản phẩm mắc ca nằm trên địa bàn huyện Kbang trong vùng được bảo hộ chứng nhận sản phẩm thì được sử dụng sản phẩm này. Mục tiêu nhằm duy trì chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu đến với người dân, người tiêu dùng trên địa bàn cả nước.”

Nhờ thiên nhiên ưu đãi và sự quan tâm của cấp, ngành, địa phương; cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP nên đã nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng cung cấp ra thị trường. Đó chính là nền tảng để những sản phẩm hạt đặc trưng của tỉnh tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.

Thúy Diện – Minh Trung


Lượt xem: 7

Trả lời