Các địa phương phía Đông, Đông Nam tập trung khắc phục sau mưa lũ

Cập nhật 01/12/2021, 17:12:20

Mưa lũ kéo dài trong những ngày qua đã gây nhiều thiệt hại đến hoa màu, hạ tầng cơ sở ở các địa phương phía Đông, Đông Nam tỉnh. Ngoài ra, nhiều khu dân cư bị ngập lụt, người dân phải di chuyển đến nơi an toàn. Trong ngày hôm nay (1/12), khi trời hết mưa, nước rút xuống, các địa phương đang tập trung khắc phục thiệt hại, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Sau khi nước rút, dọn đồ đạc về lại nhà trong tối qua, sáng nay (1/12), 254 hộ dân ở buôn Jứ (xã Ia Broái, huyện Ia Pa) đã tập trung dọn dẹp lại nhà cửa và vệ sinh khuôn viên trong buôn. Gần như đợt mưa lũ kéo dài nào, bà con buôn Jứ đều phải di dời đến nơi an toàn. Trong ngày hôm nay bà con đã đã hoàn thành việc dọn dẹp vệ sinh để chính quyền địa phương phun khử khuẩn môi trường.

Ông Nay Vong, Buôn Jứ, xã Ia Broái, huyện Ia Pa nói: “Sống nhiều nói chung bà con thì cũng quen rùi. Cứ đến mùa là chuẩn bị trước, dọn dẹp đồ đạc rồi di dời lên chỗ cao. Nước thì thì bà con nhà nào dọn nhà đó, ổn định lại nhà cửa.

Ông Bùi Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Ia Broái, huyện Ia Pa cho biết: “UBND xã đã chỉ đạo cho thôn sau khi dọn dẹp môi trường song thì sẽ tổ chức phun khử khuẩn để bảo vệ môi trường tại buôn Jứ”.

Cùng với việc ổn định lại cuộc sống của người dân ở các khu dân cư bị ngập lụt, các địa phương cũng tập trung giải quyết khó khăn, đảm bảo cuộc sống trước mắt cho những người dân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất để trồng dưa hấu song bị ngập lụt trong những ngày qua.

Ông Trần Công Sơn, Tỉnh Bình Định, tạm trú xã Chư Gu, huyện Krông Pa cho biết: “Trong quá trình đến đây làm dưa gặp lũ lụt thì cũng nhờ chính quyền địa phương huy động xuồng máy đưa chúng tôi đến nơi an toàn. Do thiếu thốn nhiều nên khi được cứu ra thì được chính quyền địa phương và anh em ở đây tạo điều kiện cho chỗ ở, rồi ăn uống để chúng tôi sinh hoạt. Chúng tôi cũng không biết nói gì hơn là cảm ơn chính quyền địa phương và bà con ở đây”.

Về thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua, theo tổng hợp chưa đầy đủ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thì đến thời điểm này đã có trên khoảng 350 ha hoa màu  bị thiệt hại. Tập trung nhiều ở các huyện Krông Pa, Ia Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Kbang. Thiệt hại nhiều nhất là cây lúa nước, mỳ đã đến kỳ thu hoạch.

Ông Rơ Ô Sê, Buôn Ta Kê, xã Chư Gu, huyện Krông Pa bày tỏ: “Nhờ Nhà nước quan tâm gia đình tôi để hỗ trợ giống cho gia đình vì bị thiệt hại rất nhiều; ruộng lúa 7 sào đây là bị hư hỏng hết”.

Ông Ksor Nhối, Chủ tịch UBND xã Chư Gu, huyện Krông Pa cho biết: “Xã đề nghị cấp trên hỗ trợ cho bà con, đặc biệt là giống lúa để bà con tái sản xuất lại vụ Đông Xuân vì lúa vụ này bà con coi như là mất trắng”.

Dù chưa có thống kê cụ thể song qua báo cáo nhanh của các địa phương thì trong đợt mưa lũ vừa qua cũng đã gây nhiều thiệt hại về hạ tầng cơ sở. Trước mắt các địa phương đang tập trung cho việc khắc phục thiệt hại về hoa màu và ổn định cuộc sống người dân ở các khu vực bị ngập lụt.

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Huyện khuyến cáo, chỉ đạo người dân là thu hoạch sớm để bán mỳ non, chấp nhận bá giá rẻ nhưng vẫn thu lại một khoản tiền nhất định để giảm bớt thiệt hại. Thứ hai đối với nhà ở của người dân khi mưa kéo dài 7 ngày có những vị trí trũng mà nước vô nhà thì lực lượng thanh niên, công an, dân quân thì giúp người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Huyện đang chỉ đạo thống kê thiệt hại và đề xuất cấp trên hỗ trợ”.

Cùng với việc thống kê thiệt hại, các địa phương phía Đông, Đông Nam tỉnh cũng đã có kế hoạch để sau khi nước ở các sông, suối rút xuống sẽ khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Công điện của Thủ tướng Chính phủ./.

Đức Hải,  CTV Sơn Trung (Krông Pa), Nguyễn Sang (Ayun Pa)


Lượt xem: 31

Trả lời