Các địa phương chủ động phòng-chống hạn vụ Đông Xuân

Cập nhật 28/2/2020, 16:02:33

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 15-30%; lượng dòng chảy trên các sông, suối cũng thấp hơn trung bình nhiều năm 10-35%. Do đó, các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp chống hạn cho vụ Đông Xuân.

Mặc dù chỉ mới đầu vụ Đông Xuân, nhưng mực nước của hồ chứa Đăk Yăng của xã Lơ Ku, huyện Kbang đã xuống thấp hơn so với mọi năm. Theo thiết kế, hồ chứa này đảm bảo phục vụ nước tưới cho 25 ha, nhưng thực tế những năm gần đây chỉ đáp ứng cho khoảng 20 ha lúa nước. Hiện nay bà con sản xuất trên cánh đồng này đã phải lấy nước theo lịch điều tiết của địa phương.

Ông Y Arơp – Làng Đăk KJông, xã Lơ Ku, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Lúa mới xuống được mấy tuần nay nhưng nước không được nhiều. Năm vừa rồi mưa ít nên nước ở hồ cũng ít, không như mấy năm trước, nước nhiều, không lo thiếu nước. Giờ thì cứ phải canh trên hồ xả nước xuống là mình phải lấy nước về ruộng”.

Cánh đồng Greo Sék thuộc xã Dun, huyện Chư Sê. Bà con cho biết cánh đồng này chưa khi nào bị thiếu nước nhưng nhiều khả năng năm nay sẽ thiếu. Nhất là những chân ruộng xa và cao…khi nước ít sẽ không đủ dẫn đến những chân ruộng như vậy.

Anh Siu Thuận, Làng Greo Sék, xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Lai cũng nói: Tình hình năm nay nước ít hơn năm ngoái. Giờ mới tháng hai nước đã khô cạn thế này rồi, không biết tháng 3 thì thế nào. Làm lúa khổ lắm, không có nước.

Mặc dù theo ghi nhận của huyện Chư Sê, đến thời điểm hiện nay chưa xảy ra tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng, song trước dự báo về nguy cơ hạn hán có thể xảy ra, địa phương cũng đã có sự chủ động xây dựng phương án đối phó.

Ông Nguyễn Văn Thương – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết: “Ngay từ đầu vụ, huyện đã xây dựng phương án phòng chống hạn hán vụ ĐX 2019 – 2020 để triển khai cho các xã, thị trấn thực hiện. Theo dự báo về tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh Gia Lai, phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã tổ chức ra quân làm thủy lợi đầu năm, nạo vét kênh mương, điều tiết nguồn nước. Đối với các công trình thủy lợi…theo đúng lịch tưới của xí nghiệp, đảm bảo nguồn nước, tránh tranh chấp nguồn nước tưới các loại cây trồng, gây mất an ninh trên địa phương”.

Tính đến nay, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 68.464 ha cây trồng các loại, đạt hơn 97% kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có 344 công trình thủy lợi với tổng năng lực tưới theo thiết kế là 54.944 ha cây trồng các loại. Như vậy, năng lực tưới của các công trình thủy lợi chỉ mới đảm bảo chưa đến 80% tổng diện tích cây trồng. Nếu không có sự điều tiết nước hợp lý thì việc đảm bảo đủ nước cho cây trồng đã là một vấn đề trong khi đó theo dự báo nguy cơ nắng hạn, thiếu nước có thể sẽ xảy ra. Vì vậy, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã có sự chủ động triển khai các giải pháp phòng chống hạn hán.

Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp & PTNT Gia Lai trao đổi: “Theo dự báo khu vực Tây Nguyên, lượng mưa thấp, trữ lượng nước của các ao, hồ sẽ thiếu hụt. Ngành nông nghiệp đã có những chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn, hướng dẫn cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những vùng thường xuyên bị hạn sang các cây trồng ngắn ngày, chịu hạn tốt hơn. Thực hiện nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, lên lịch tưới luân phiên phù hợp tiết kiệm nước để đảm bảo phục vụ sản xuất, đồng thời ứng dụng tưới tiết kiệm để phục vụ cho sản xuất để đem lại hiệu quả cao hơn”.

Song song với công tác phòng chống hạn, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo bà con cần quan tâm đến vấn đề phòng ngừa sâu bệnh hại trên cây trồng để đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất.

Hồng Uyên, Duy Linh


Lượt xem: 59

Trả lời