Các đại biểu tập trung thảo luận trong ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2016 – 2020

Cập nhật 09/12/2020, 18:12:19

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2016 – 2020, ngày 9/12, các đại biểu bước vào ngày làm việc thứ Hai. Theo chương trình kỳ họp, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến hoạt động của HĐND tỉnh cũng như kết quả phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong năm 2020.

 Năm 2020 mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid – 19, thiên tai bão lũ diễn biến phức tạp dẫn đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội gặp rất nhiều khó khăn, song Gia Lai đã đạt 15/21 chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2020 (theo giá so sánh 2010) tăng 6,3% so với năm 2019; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp; GRDP bình quân đầu người đạt 51,9 triệu đồng.Năm 2020, có 56 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký 43.700 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 30.000 tỷ đồng. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành cùng sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Vì vậy, qua ghi nhận ý kiến thảo luận tổ, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả trên lĩnh vực kinh tế – xã hội mà tỉnh ta đã đạt được trong năm 2020.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đã thẳng thắn tham gia góp ý một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế, đồng thời làm rõ các nguyên nhân không hoàn thành một số chỉ tiêu đã đặt ra trong năm 2020, trong đó có chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước. Năm 2020 Gia Lai đặt ra mục tiêu thu ngân sách đạt 5.200 tỷ đồng, tuy nhiên ước thực hiện đạt 4.628,4 tỳ đồng, bằng 101,3% dự toán trung ương giao, 89% dự toán HĐND tỉnh giao.

Ông Lê Minh Nhựt, Cục trưởng Cục thuế tỉnh cho biết: “Số thu 2020 chưa đạt có 3 nguyên nhân chính: Do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid 19 khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Cũng do tác động của dịch Covid – 19 nên Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN, vì vậy nguồn thu bị ảnh hưởng. Ngoài ra, năm 2020 do tình hình hạn hán, chuyển từ 2019 sang năm 2020 nên lượng nước về các hồ chứa thủy điện giảm thấp trong vòng 20 năm trở lại đây nên sản lượng điện chỉ đạt 70% kế hoạch. Mặc dù khó khăn như vậy nhưng năm 2020 vẫn đạt 101% dự toán của TW giao và 89% dự toán tỉnh giao, cao hơn bình quân cả nước chỉ đạt 87,5% dự toán TW giao”.

Tác động của đại dịch Covid – 19 khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt một số doanh nghiệp vốn đang khó khăn lại càng khó khăn hơn, từ đó dẫn đến gia tăng số doanh nghiệp chây ỳ, kéo dài tình trạng nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Tính đến tháng ngày 9/11/2020, toàn tỉnh có 439 doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên với tổng số nợ hơn 81 tỷ đồng. Tình trạng này đã phát sinh những mâu thuẫn trong quan hệ lao động, vì vậy đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan có giải pháp để giải quyết tình trạng trên, đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn hiện nay.

Bà Trần Lệ Nhung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nêu: “Để đảm bảo mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là đảm bảo lợi ích cho người lao động, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, yêu cầu các sở, ngành phải có các giải pháp quyết liệt. UBND tỉnh phải có giải pháp để giúp cho DN. Hỗ trợ cho DN tức là giải quyết khó khăn cho người lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.

Liên quan đến ý kiến này, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, PCT Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đã làm rõ một số vấn đề mà đại biểu đề cập, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động:

“Đây là vấn đề các cấp, các ngành cần quan tâm để có giải pháp tháo gỡ, nhưng xác định đây là vấn đề khó, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay: giá cả xuống thấp, dịch bệnh. Tuy nhiên làm gì thì cũng phải theo quy định…Hỗ trợ bằng cách nào cũng rất khó. Tuy nhiên có một câu chuyện đặt ra ở đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp? Đây là mối quan hệ dân sự. Yêu cầu UBND giải quyết thì giải quyết thế nào trong khi các gói hỗ trợ cũng đều phải thực hiện theo quy định”.

Công tác giảm nghèo cũng là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tham gia góp ý kiến. Trong năm 2020 UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến đến cuối năm 2020, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 2,54%, tỷ lệ hộ nghèo còn 4.5%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 6,25% (hoàn thành chỉ tiêu đề ra). Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 3,7% vào năm 2021, các đại biểu bàn thêm các giải pháp giảm nghèo bền vững, giải pháp để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững

 Bà Rcom Sa Duyên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Về vấn đề giảm nghèo, các địa phương đang rà soát hộ nghèo. Chỉ tiêu năm 2021 mức giảm nghèo 1,5%. Đề nghị về phía các địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao xây dựng kế hoạch giảm nghèo, căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, từng nhóm đối tượng mới đưa ra giải pháp. Qua tổng hợp có những cách làm hay, mô hình tốt ở các địa phương cần lồng ghép triển khai thực hiện. Đặc biệt tập trung cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, xác định nguyên nhân và các giải pháp, tập trung các nguồn lực đầu tư cũng như nội lực của người dân”.

Trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng các Trường: Trung cấp Y tế, Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Đông, Nam Gia Lai, giữa tháng 11 vừa qua Trường Cao đẳng Gia Lai chính thức được thành lập. Quá trình đi vào hoạt động, hiện nay nhà trường đang gặp phải một số khó khăn phát sinh liên quan đến vấn đề chỗ ở cho sinh viên cũng như các chế độ, chính sách dành cho đối tượng học sinh, sinh viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Để giải quyết những vướng mắc phát sinh này, về phía nhà trường đã nêu ra một số ý kiến, kiến nghị:

Ông Phạm Văn Điều, Hiệu trường Trường Cao đẳng Gia Lai cho biết: “Không có chỗ ở cho học sinh, sinh viên. Trong khi chế độ ở chỉ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số….Năm 2020: 79% là người địa phương nên không có chỗ ở. Hiện nay các em ở 600 người trong khi thiết kết chỉ 130 người. Bên cạnh đó, cơ sở trường y xuống cấp không ở được. Vấn đề cho học sinh là vấn đề rất cấp bách, cần mở rộng ký túc xá”.

Vấn đề phát triển rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng cũng nhận được sự quan tâm của đại biểu tham dự kỳ họp lần này. Ngoài việc đồng tình với chủ trương trồng rừng tỉnh đặt ra từ năm 2021 mỗi năm sẽ trồng 8 ngàn ha rừng, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về sự chênh lệch giữa tỷ lệ công bố giữa tỉnh và trung ương, vì vậy đề nghị cần làm rõ cách tính về tỷ lệ che phủ rừng:

Về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Liên hiệp khoa học cho biết: “Những năm gần đây tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,6% (kể cả cây cao su). Đây là số liệu thống kê của tỉnh. Tuy nhiên, tôi thấy có sự chênh lệch so với con số mà Bộ NN & PTNT đưa ra là 40,2%. Không biết cách tính thế nào? Vì vậy đề nghị xem lại”.

Liên quan đến 19 dự thảo Nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh trình tại kỳ họp, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó Dự thảo Nghị quyết phân bổ dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2021; Dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu:

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh cho biết: “Muốn xây dựng kế hoạch tổng thể phải căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh 5 năm mới xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Riêng năm 2021 phải căn cứ vào chi đầu tư phát triển địa phương. UBND tỉnh trình có tờ trình phê duyệt kế hoạch đầu tư công, có những công trình khởi công mới. Qua xem xét Ban Kinh tế thấy rằng thống nhất trong kế hoạch đầu tư công cho những dự án trong giai đoạn 2016-2020 nhưng còn thiếu vốn. Còn các dự án mới muốn đưa vào kế hoạch phải được phê duyệt chủ trương đầu tư, phải bổ sung vào kế hoạch đầu tư công năm 2021. Ngoài ra một số công trình số tiền giải phóng mặt bằng khá lớn, các huyện gặp một số khó khăn do đó cần cân nhắc các quy trình, điều kiện thực tiễn của địa phương. Nhất là tại một số huyện nghèo số tiền đền bù giải phóng mặt bằng rất lớn  nên quá trình làm gặp khó khăn”.

Tham gia thảo luận, các đại biểu cũng đã tập trung cho ý kiến một số vấn đề về thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững; cải thiện một số chỉ số thành phần để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; Công tác thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, nhất là đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa; Đề nghị ngành Y tế có kế hoạch cung cấp vắc xin bạch hầu sớm để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống bệnh bạch hầu; Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo; Giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em – một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận trong thời gian qua khi tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh cũng như nhiều địa phương khác có chiều hướng gia tăng…

Trên cơ sở ý kiến thảo luận tổ, chiều ngày 9/12 dưới sự chủ trì của đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút, Trương Văn Đạt, các đại biểu tiếp tục thảo luận chung tại hội trường nhằm làm rõ một số ý kiến còn khác nhau.

Liên quan đến ý kiến về xác định tiêu chí gia đình đông con, khó khăn về kinh tế để làm căn cứ áp dụng chính sách hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã làm rõ nội dung này:

Ông Trần Văn Lực, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh nói: “Những gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo đã được quy định rõ, ngoài ra không tránh khỏi những trường hợp khó khăn phát sinh đối với một số gia đình đông con, điều kiện kinh tế khó khăn có nhiều em đi học, gia đình khuyết tật…Trong năm phát sinh cần hỗ trợ, chính quyền cấp xã xác nhận thì được hỗ trợ 20% của tỉnh, 30% của TW, gia đình chỉ bỏ 50%. Theo dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh lần này bổ sung thêm đối tượng HSSV sinh sống ở vùng 1. Sau khi Nghị quyết được thông qua, ngành sẽ có hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện để đảm bảo đúng đối tượng”.

Trên cơ ý kiến thẩm tra của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, Sở Tài chính đã làm rõ vấn đề liên quan đến việc chi thường xuyên của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai chưa đúng quy định; Thuyết minh về dự toán phân bổ năm 2021 đối với nội dung “Hỗ trợ kinh phí môi trường, kiến thiết thị chính” 65 tỷ đồng theo dự toán chi ngân sách nhà nước của các huyện, thị xã, thành phố năm 2021 và kinh phí sửa chữa trường, lớp học, sửa chữa cải tạo nhà vệ sinh tại một số trường học chưa đáp ứng yêu cầu.

Cũng liên quan đến ý kiến thẩm tra của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm rõ các nội dung liên quan đến danh mục các công trình, dự án cần thu hồi mà Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị HĐND không chấp thuận thông qua tại kỳ họp này. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu và điều chỉnh lại danh mục các công trình, dự án cần thu hồi, đồng thời làm rõ danh mục các công trình dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh không chấp thuận thông qua tại kỳ họp này.

Liên quan đến ý kiến về xây dựng kế hoạch đầu tư công, việc bố trí nguồn vốn của các công trình chuyển tiếp của năm 2020 sang năm 2021 và kế hoạch trung hạn 2021 – 2025, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã làm rõ về một số ý kiến còn khác nhau:

Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Sở KH & ĐT đã thực hiện theo đúng quy định, Tuy nhiên Quốc hội có một ý kiến khác so với trước đó. Theo như mọi năm. trong năm 2019 phải lo danh mục đầu tư công cho 2021 – 2025. Tuy nhiên đến nay Quốc hội không đồng ý với chủ trương này của Chính phủ mà yêu cầu nhiệm kỳ nào lo cho nhiệm kỳ đó. Vì vậy có một số công trình trước đây đã được Trung ương đồng ý bố trí vốn nhưng chưa giải ngân được vì Quốc hội vừa rồi không đồng ý. Về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 TW giao 3.100 tỷ, tỉnh tăng thêm hơn 200 tỷ. Theo hướng dẫn của Bộ KH & ĐT, chúng ta phân bổ vốn này, nhưng vừa rồi Quốc hội chỉ đồng ý cho Chính phủ bố trí vốn cho 2016 – 2020, các dự án khởi công mới”.

Theo chương trình làm việc, ngày 10/12 Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XI bước sang ngày làm việc thứ Ba. Các đại biểu tiếp tục thảo luận chung tại hội trường. Một trong những nội dung quan trọng được cử tri đặc biệt quan tâm đó là phần chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu đối với một số sở, ngành. Thông tin chi tiết trong ngày làm việc thứ Ba, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong các bản tin tiếp theo. Đài PT-TH Gia Lai  truyền hình trực tiếp phiên làm việc buổi sáng.

Hồng Uyên – Kim Châu – Thanh Sáng – R’Piên


Lượt xem: 51

Trả lời