Bỏ dở điều trị bệnh lao và nguy hiểm từ bệnh lao đa kháng thuốc

Cập nhật 24/3/2016, 10:03:04

Mặc dù tỷ lệ mắc lao mới giảm hàng năm, nhưng Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 14 trong số 22 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên thế giới và đồng thời là nước có gánh nặng lao đa kháng thuốc cao. Bệnh lao đang tiếp tục là một trong những vấn đề sức khỏe chính trên toàn cầu. Một trong những khó khăn hiện nay chính là việc người bệnh tự ý bỏ điều trị hoặc điều trị giữa chừng dẫn đến tình trạng lao đa kháng thuốc. Phóng sự được thực hiện tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai nhân Ngày Thế giới phòng chống Lao 24/3.

 

Mắc bệnh lao phổi từ cuối năm 2015, ông Yan ở xã Kon Gang, huyện Đak Đoa đã điều trị 2 tháng tại bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai, thời gian trở về nhà theo quy định ông phải tiếp tục điều trị duy trì 4 tháng tiếp theo. Thế nhưng, vì bỏ dở điều trị nửa chừng, không tuân thủ đúng phác đồ điều trị bệnh lao, ông lại phải tiếp tục nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy sụp, tổn thương phổi diện rộng, mất khả năng lao động.

     Chị Genh -xã Kon Gang, huyện Đak Đoa người nhà bệnh nhân Yan cho biết: “Ba mình sau khi điều trị ở bệnh viện, về nhà có lấy thuốc ở y tế huyện uống được 1 tháng, sau đó không thấy cán bộ y tế nhắc gì nữa nên cũng không uống thuốc tiếp. Giờ ông bị khó thở, không đi lại được nên phải nhập viện lại”.

          Chữa khỏi bệnh lao thông thường cần tuân thủ phác đồ điều trị 6 tháng. Còn đối với lao kháng thuốc thời gian điều trị kéo dài hơn. Nguyên tắc là bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc điều trị nửa chừng. Việc điều trị dở dang khiến bệnh không chữa được dứt điểm và nhanh tái phát với nguy cơ kháng thuốc cao. Thế nhưng, thực tế cho thấy có không ít trường hợp bỏ điều trị và sau đó nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy sụp rất nguy hiểm. Thuốc lao được phát miễn phí tại tổ chống lao ở cơ sở và đây là nơi có trách nhiệm quản lý, theo dõi bệnh nhân lao. Thế nhưng khâu quản lý ở tuyến huyện lâu nay vẫn còn lỏng lẻo, việc cấp thuốc, theo dõi người bệnh không được thực hiện thường xuyên theo đúng quy định.

BS Ye Thiên Pẩu – Trưởng Phòng Kế hoạch – Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai cho biết: “Khó khăn nhất là công tác giám sát, điều trị bệnh nhân tại y tế cơ sở. Sau khi chẩn đoán điều trị tại tuyến tỉnh, huyện bệnh nhân được trả về quản lý điều trị tại xã, y tế cơ sở theo dõi bệnh nhân liên tục trong 4 tháng liên tục. Bệnh nhân chỉ có việc ra trạm y tế xã để nhận thuốc hàng tuần. Việc giám sát này đòi hỏi tuân thủ rất chặt chẽ. Nhưng mà thực tế y tế cơ sở chưa chủ động vấn đề này, dường như giao hết cho bệnh nhân dẫn đến sau khi bệnh nhân bỏ trị có những diễn biến nặng nề rất khó điều trị”.

          Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Người bệnh không được tự ý bỏ điều trị vì như vậy vi khuẩn lao càng có cơ hội phát triển hơn nữa. Điều trị lao đã khó, điều trị lao kháng thuốc còn khó khăn hơn nhiều./.

Kim Châu – Vân Anh – Đặng Trà


Lượt xem: 109

Trả lời