Biểu tượng Anh hùng trong sử thi Bahnar

Cập nhật 26/12/2018, 09:12:05

Sử thi Bahnar hay còn gọi là Hơmon – Một hình thức sinh hoạt dân gian theo lối hát kể truyền khẩu được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.Nếu ai đã có dịp tìm hiểu, được lắng nghe những áng sử thi của người Bahnar trên vùng đất Gia Lai thì mới cảm nhận được những vẻ đẹp nguyên sơ, tráng lệ, sâu lắng mà trầm hùng. Còn với những nghệ nhân hát, kể sử thi ở các buôn, làng, những người có trí nhớ siêu phàm, có tài ứng biến thi ca, khi cất lên giọng hát, kể là họ như được trở về thời quá khứ huy hoàng, được tắm mình trong những câu chuyện, những chiến công kỳ vỹ của các anh hùng, dũng sỹ… Đó cũng chính là chất xúc tác, lôi cuốn người nghe. Mời quý vị và các bạn đến với quê hương cách mạng làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang để được đắm chìm trong âm điệu, câu chuyện sử thi qua giọng kể của già làng Đinh Yom để thấy được tính biểu tượng anh hùng, một hình ảnh được xây dựng khá phổ biến trong hầu hết câu chuyện sử thi của người Bahnar.

Vào những buổi tối, dân làng  Stơr quây quần bên bếp lửa nghe Già làng Đinh Yom kể sử thi. Sử thi kể rằng: “Hai anh em nhà nọ, người anh tên Le, người em tên Giông, sống trong một chòi nhỏ trên núi, quyết tâm báo thù cho cha mẹ khi bị kẻ thù giết chết. Nhưng kẻ thù quá mạnh nên không tài nào giết được và cứ thế họ đánh nhau hết ngày này qua tháng nọ nhưng không bên nào thắng. Sau 30 năm đánh nhau, người anh đã già yếu không còn sức nữa, người em vẫn quyết tâm băng rừng, lội suối nhờ được một người tài giỏi giết những kẻ thù tàn bạo”…

Trong câu chuyện của già làng Đinh Yom kể cho bà con làng Stơr nghe , thấp thoáng đâu đó là những nhân vật anh hùng trong sử thi được xây dựng không hoàn toàn mang tính cá nhân, mà đại diện, biểu trưng cho cộng đồng, mang những ước vọng vừa lãng mạn vừa kỳ vĩ, họ có vóc dáng, sức mạnh phi thường, qua các cuộc chiến đấu dũng cảm, với tài năng xuất chúng đã đưa nhân dân đến hình thành những cộng đồng mới, đông đúc, hùng mạnh hơn…

Với già làng Đinh Yom – Sử thi Bahnar chính là bản trường ca tráng lệ giúp ông và những người con núi rừng Tây Nguyên năm xưa vượt qua bao gian khổ để bảo vệ quê hương…. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với già tình yêu cùng những Hê Ri Khan vẫn còn như nguyên vẹn. Mỗi buổi tối đến, trong ngôi nhà sàn, bên bếp lửa, già lại say xưa kể cho con cháu nghe những câu chuyện sử thi về truyền thống bất khuất của quê hương cách mạng…

Anh Đinh Văn Toong, làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai nói: “Nhỏ đến giờ mình được nghe già làng kể sử thi nhiều rồi, chuyện nào cũng hay và cuốn hút hết. Qua các câu chuyện này mình hiểu thêm về truyền thống quê hương”.

Trên mảnh đất Tây Nguyên, từ bao đời nay, văn hóa truyền thống vẫn như mạch suối nguồn chảy mãi…

Đó là tiếng cồng chiêng trầm hùng, vang vọng bay qua bảy ngọn núi, chín dòng sông.

Đó là những điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển làm say đắm lòng người.

Đó là những bức tượng gỗ thô mộc, trần trụi song lại rất đỗi tinh tế, sâu sắc.

Đó là là những bản trường ca hơ mon mang khát vọng từ ngàn đời…

Hãy gìn giữ để đời sau tiếng vọng đại ngàn vẫn còn ngân vang, để Tây Nguyên vẫn mãi giữ được sự huyền bí và đầy đam mê./.

Song Nguyễn, Phan Nguyên


Lượt xem: 174

Trả lời