Bến đò A Sanh – Huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ

Cập nhật 01/9/2020, 14:09:45

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào của dân tộc Việt Nam có những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử với những mốc son chói lọi. Trên chiến trường Bắc Tây Nguyên, bến đò A Sanh, nằm trên địa bàn làng Nú, xã Ia Khai, huyện biên giới Ia Grai là một minh chứng sống động về cuộc chiến tranh Nhân dân dưới sự lãnh đạo Đảng. Cùng với quân chủ lực, các tầng lớp Nhân dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính đã tích cực, chủ động tham gia cuộc chiến tranh giải phóng quê hương. Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Puih San (hay còn gọi là A Sanh) – Một người Jrai xuất sắc trong tập thể lớn những người Anh hùng ở Gia Lai, Tây Nguyên thời chống Mỹ và bến đò A Sanh có mối liên hệ mật thiết. Bằng những chiến công thầm lặng, người con ưu tú của làng Nú đã trở nên bất tử trong ca khúc “Người lái đò trên sông Pô Cô”.

Tại Hội thảo Di tích lịch sử bến đò A Sanh được UBND huyện Ia Grai phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức vào tháng 9/2019, các nhân chứng lịch sử đã đóng góp thêm nhiều thông tin về người lái đò trên sông Pô Cô và tuyến vận tải đường sông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Theo đó, bến đò làng Nú và một số bến đò khác thuộc huyện Ia Grai ngày nay là những địa điểm đưa đón bộ đội, lương thực, vũ khí qua sông Pô Cô vào những năm 1961-1965. Phương tiện di chuyển chủ yếu là thuyền độc mộc. Những người lái đò phần đông là người Jrai được tuyển chọn tại địa phương, có sức khỏe và thông thạo địa bàn như: Puih San, Rơ Châm Lim, Rơ Chăm Plớt… và nổi tiếng trong số đó là Puih San (hay còn gọi là A Sanh). Sinh ra và lớn lên tại làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, năm 1961, A Sanh nhập ngũ, thực hiện nhiệm vụ vận tải trên tuyến hành lang bí mật. Ông Rơ Lan Kai – một đồng đội của A Sanh kể lại: Kể từ khi được giao nhiệm vụ cao cả,  A Sanh không chỉ trung thành, mưu trí, dũng cảm mà còn có đôi bàn tay rắn rỏi chèo đò đưa bộ đội, hàng hóa qua sông Pô Cô. Có những đêm A Sanh và đồng đội chở hơn 30 chuyến đò, đưa hàng trăm lượt người cùng hàng hóa qua sông an toàn.

Ông Rơ Lan Kai – Làng Dăng Krái, xã Ia Khai, huyện Ia Grai chia sẻ: “Chủ yếu là đi ban đêm, ban ngày không dám đi.  1 Tiểu đội gồm 10 người, chia ra 1 tổ 6 người đi 3 thuyền, chở bộ đội qua Campuchia rồi chở bộ đội từ Campuchia về bên này hay chở hàng qua bên kia, chở đi chở lại”.

Còn với ông Rơ Lan Duýt – người từng tham gia đẽo thuyền độc mộc để chở bộ đội, ký ức về những năm tháng gian khổ nhưng rất đỗi oanh liệt những năm 60 luôn là câu chuyện đáng tự hào mà ông thường kể cho bà con, nhất là thế hệ trẻ trong làng.

Ông Rơ Lan Duýt – Làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai bồi hồi kể lại: “Hồi xưa làm thuyền chở bộ đội đi qua sông, không chở ban ngày vì sợ máy bay địch thấy mà chỉ đi ban đêm thôi. Chở người, chở hàng nhiều lắm. Thuyền khi chở xong thường ngâm xuống nước để tránh bị địch phát hiện”.

Năm 2020, Di tích bến đò A Sanh được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Điều này một lần nữa khẳng định những giá trị và ý nghĩa lịch sử cũng như công lao đóng góp của người Anh hùng A Sanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Bắc Tây Nguyên. Đây cũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời tạo điểm nhấn để thúc đẩy du lịch văn hóa- lịch sử trên địa bàn huyện biên giới Ia Grai.

Ông Nguyễn Khắc Hùng – Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ia Grai cho biết: “Hiện nay đã quy hoạch diện tích hơn 3.200 m2, thời gian tới sẽ tiến hành quy hoạch chi tiết, tiến hành xây dựng, đặt bia tưởng niệm bến đò tại đây. Sau khi được xây dựng đây là điểm đến cho du khách, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cho các cháu học sinh trên địa bàn huyện và tỉnh”.

Ông Đỗ Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai trao đổi thêm: “Di tích lịch sử bến đò A Sanh vừa được công nhận là di tích cấp tỉnh. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và thực hiện được ý nguyện của Nhân dân trên địa bàn. Năm 2021 sẽ thành lập Ban quản lý di tích để quản lý di tích theo quy định, đồng thời bố trí nguồn lực phù hợp để  xây dựng công trình phụ trợ cho di tích, trước mắt là con đường từ trung tâm làng Nú đến di tích để bà con đến tham quan khu vực này, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm xây dựng khu di tích để phục vụ Nhân dân đến tham quan”.

Di tích lịch sử bến đò A Sanh là một minh chứng sống động về lòng dũng cảm, mưu trí, hy sinh của quân và dân Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Puih San là tấm gương tiêu biểu. Việc phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị của bến đò A Sanh không chỉ là sự tri ân đối với thế hệ đi trước mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ, đồng thời tạo nền tảng để phát triển du lịch, nâng cao đời sống của Nhân dân trên địa bàn./.

Thiên Thanh – Phi Long – Huy Toàn


Lượt xem: 241

Trả lời