Bàu Cạn- nơi thành lập một trong những chi bộ đầu tiên thuộc Đảng bộ tỉnh Gia Lai

Cập nhật 04/12/2015, 09:12:32

           Từ những năm 1930, 1940 của thế kỷ trước, cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, tại Bàu Cạn, nay là xã Bàu Cạn, huyện Chưprông, dưới sự chỉ đạo của một số đảng viên ưu tú, phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền chống áp bứt, bóc lột do thực dân Pháp và phát xít Nhật cai trị đã diễn ra mạnh mẽ và có sức lan tỏa lớn. Như một lẽ tất yếu, tại vùng đất Bàu Cạn đã ra đời một trong những chi bộ Đảng đầu tiên thuộc Đảng bộ Tây Sơn, nay là Đảng bộ tỉnh Gia Lai. Chi bộ Bàu Cạn với một nhóm đảng viên trong công nhân đồn điền đã tập hợp, lãnh đạo công nhân cùng nhân dân đứng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần quan trọng vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám và những thắng lợi vẻ vang khác ở tỉnh Gia Lai. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai(10/12/1945-10/12/2015), nhóm phóng viên Thời sự đã về lại Bàu Cạn để tìm hiểu quá khứ hào hùng và nhữg thành tựu hôm nay của cán bộ, nhân dân Bàu Cạn Anh hùng.

Nối tiếp qua bao thế hệ, lực lượng công nhân chè Bàu Cạn đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, sự kiên trung, bất khuất trong kháng chiến chống quân thù sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất

Nằm tựa lưng vào dãy núi ChưHDông hùng vĩ, vùng đất Bàu Cạn cùng với xã Gào, Tp Pleiku nằm tiếp giáp là một trong những “cái nôi” cách mạng đầu tiên của tỉnh Gia Lai. Hôm nay về lại Bàu Cạn, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận màu xanh ngút ngàn của những vườn cà phê, cao su, đặc biệt là cây chè- loại cây đã gắn bó với người dân Bàu Cạn từ thời Pháp thuộc đến nay. Nối tiếp qua bao thế hệ, lực lượng công nhân chè Bàu Cạn đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, sự kiên trung, bất khuất trong kháng chiến chống quân thù, sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.

     Chị Mai Thị Hương- Đội sản xuất số 1- Công ty TNHH MTV Chè Bàu Cạn- Gia Lai bày tỏ: “Chúng tôi rất tự hào là công nhân chè Bàu Cạn có truyền thống cách mạng vẻ vang. Công việc có lúc rất vất vả nhưng chúng tôi luôn yêu lao động sản xuất, gắn bó với vườn chè, với đơn vị để có cuộc sống ổn định, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”.

Năm 1923, Pháp thành lập đồn điền Bàu Cạn tại đây nhằm phục vụ công cuộc khai thác thuộc điện của chế độ thực dân. Ngay sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đã có những chiến sĩ cộng sản đến đồn điền Bàu Cạn hoạt động để “gieo mầm” cách mạng đầu tiên của tỉnh Gia Lai. Năm 1930, tại đây đã hình thành tổ chức Công hội đỏ, đến năm 1940 hình thành Hội Cứu tế đỏ, sau đó là chi bộ Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng trong công nhân. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các “hạt giống đỏ” là những đảng viên như đồng chí Trần Ren, Phan Thị Út… đã tích cực tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ, lãnh đạo công nhân và nhân dân Bàu Cạn chống chủ sở, đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc, đòi dân sinh dân chủ, chống áp bức, bót lột… Phong trào đấu tranh cách mạng tại đây đã lan tỏa và bắt nhịp với các đồn điền ở các nơi khác như: IaChâm, IaPếch, Biển Hồ, ĐăkĐoa… Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ khu 9 (thị xã Pleiku) đồn điền Bàu Cạn là nơi đứng chân của Ban Cán sự Đảng khu 9 và là bàn đạp để các lực lượng tấn công vào nội thị… Trong những năm kháng chiến, xã Bàu Cạn và xã Gào, thành phố Pleiku ngày nay chung một xã. Đã có biết bao chiến sĩ cách mạng ưu tú đã chiến đấu anh dũng chống áp bứt bóc lột, hy sinh để quê hương sạch bóng quân thù và tươi đẹp như ngày hôm nay…

         Quá khứ hào hùng của lớp lớp cán bộ, đảng viên tiền bối được thế hệ cán bộ, đảng viên xã Bàu Cạn hôm nay trân trọng, kế thừa và phát huy bằng những việc làm cụ thể, những hoạt động thiết thực và những phong trào thi đua yêu nước để chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bởi vậy, xã Bàu Cạn liên tục có sự bứt phá trên nhiều lĩnh vực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Ông Đoàn Văn Xuân- Bí thư Đảng ủy xã Bàu Cạn- huyện Chưprông- Gia Lai cho biết: “Cán bộ, nhân dân xã Bàu Cạn luôn tự hào về quê hương giàu truyền thống cách mạng. Nối gót lịch sử quá khứ hào hùng của các thế hệ đảng viên đi trước, cán bộ, đảng viên xã Bàu Cạn hôm nay luôn phát huy tinh thần đoàn kết, lãnh đạo nhân dân tập trung đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xã vinh dự là một trong những xã đi đầu về xây dựng nông thôn mới”.

      Ông Đàm Văn Sánh- nguyên Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn khóa 1 nói: “Cán bộ, nhân dân trong xã rất phấn khởi quê hương ngày càng khởi sắc, phát triển mạnh mẽ. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã phần lớn còn trẻ đã biết phát huy tốt truyền thống của quê hương và phẩm chất tốt đẹp của người đảng viên, tập trung lãnh đạo xã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao”.

70 năm đã trôi qua kể từ khi thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai, trên quê hương Bàu Cạn Anh hùng đã diễn ra bao điều kỳ diệu về sự bén rễ, ươm mầm và trưởng thành của cách mạng; về sự đoàn kết và khát vọng ấm no, hạnh phúc, xây dựng quê hương trù phú. Cán bộ, quân và dân Bàu Cạn luôn tự hào về những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh./.

 

                                                             

Hà Đức – R’Piên


Lượt xem: 236

Trả lời