Bảo vệ môi trường rừng bền vững gắn với phát triển du lịch

Cập nhật 08/5/2022, 13:05:42

Với lợi thế là vùng lõi của Khu dữ trự sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng; nơi còn diện tích rừng nguyên sinh lớn của cả nước với những cánh rừng Giáng hương cổ thụ hay Pơ mu, Hoàng đàn giả… Vườn quốc gia Kon Ka Kinh đang nỗ lực  phối hợp với chính quyền địa phương và ngành chức năng tập trung phát triển du lịch, cách làm này không chỉ giữ được rừng mà còn tạo  công ăn việc làm cho bà con Bahnar ngay dưới tán rừng.

Với thế mạnh là vườn Di sản ASEAN từ những cánh rừng Giáng hương, Pơ mu cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, đến các điểm dừng chân giữa đại ngàn có cảnh quan, môi trường sinh thái trong lành. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh đang đẩy mạnh phát triển du lịch theo dạng khám phá thiên nhiên để kéo du khách lên với đại ngàn.

Hiện tại, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh đã mở những cung đường phù hợp để du khách có thể tiếp cận, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vỹ của những cây rừng cổ thụ hàng ngàn năm tuổi hay nhiều loài động, thực vật quý đặc hữu quý hiếm….

Ông  Đinh Khánh Toàn,  Giám Đốc TT Giáo Dục Môi Trường & DVMT, VQG Kon Ka Kinh cho biết: “Đây là khu vực của trạm nghiên cứu, là sự hợp tác giữa Vườn với Hội động vật Frankfurt của Đức, nơi đây 1 tháng 2 lần sẽ có một đoàn khao học vào để nghiên cứu về Voọc chà vá chân xám.  Để bắt gặp hình ảnh về loài linh trưởng quý hiểm này thì có rất nhiều tuyến đi nhau nhưng hôm nay trời nắng đẹp chúng ta đi theo hướng lên đỉnh Đá Trắng là điểm dễ bắt gặp Voọc chà vá chân xám đi qua, tìm thức ăn và nghỉ trưa ở đó”.

Mặt trời lên cao, nhưng đi dưới tán rừng già vẫn cho ta cảm giác mát mẻ; những vệt nắng xuyên qua kẽ lá càng tô điểm thêm vẻ đẹp lung linh của những bông hoa rừng. Bỏ lại sau lưng vài ba con dốc, chúng tôi dừng chân dưới 2 tán cây sao xanh cổ thụ, có đường kính từ 3 – 4  người ôm, tạo thành một “cổng trời” sừng sững làm mê mẩn những ai yêu thích thiên nhiên.

Ông Bùi Văn Đỉnh, Trung tâm Giáo Dục Môi Trường & DVMT, VQG Kon Ka Kinh nói: “Đây là cây sao cổ thụ đã hơn 100 tuổi, đoạn đường từ dưới lên thăm đỉnh Đá Trắng thì đây là điểm dừng chân để chụp những bức ảnh đẹp với cây cổ thụ, để có sự trải nghiệm với thiên nhiên rừng”.

Hiện đã có một số đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh đăng ký đưa du khách thực hiện các tour du lịch với núi rừng nơi đây. Ban quản lý Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và chính quyền huyện Mang Yang đã và đang tạo dựng một môi trường du lịch bền vững, quan trọng hơn nó sẽ góp phần hạn chế sự xâm hại đến những cánh rừng quý nơi đây.

Ông Ngô Văn Thắng,  Phó Giám đốc Phụ trách Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh nói: Chúng tôi xác định: Với danh hiệu là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, chúng tôi đẩy mạnh quảng bá, kêu gọi đầu tư định hướng cho cư dân vùng đệm phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, đồng thời thực hiện công tác quản lý, bảo sinh thái, phục vụ nghiên cứu khoa học tốt hơn, mang tính bền vững hơn.

Giữ rừng để bảo vệ môi trường là chuyện nhiều địa phương khác đã làm. Tuy nhiên, gắn những cánh rừng đại ngàn với phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho chính người dân bản địa là một ý tưởng mới và đây cũng chính là cách giữ rừng bền vững. Bởi khi chính những cánh rừng đã mang lại nguồn sống cho người dân và bà con dân tộc bản địa thì rừng sẽ càng được bảo vệ vững chắc hơn./.

Kim Ngân; Viễn Khánh


Lượt xem: 7

Trả lời