Bảo tồn và truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Cập nhật 10/12/2022, 08:12:41

Nhằm góp phần hoàn thành Đề án 02 của Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Pa về bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng thiết chế văn hóa vững mạnh của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Ia Pa đã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng cho học sinh DTTS tại các Trường THCS trên địa bàn huyện.

Buổi khai giảng lớp học đánh cồng chiêng được tổ chức tại khu tượng gỗ và phòng trưng bày các di sản truyền thống của dân tộc Việt Nam của Trung tâm Văn hóa Thông tin và thể thao huyện, các em học sinh của trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa rất hào hứng tham gia. Tại đây các em đã tìm hiểu về cội nguồn văn hóa của dân tộc, về cồng chiêng, các nhạc cụ truyền thống của dân tộc…

Em Nay H’Chem lớp 8/2 trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa chia sẻ: “Em rất là vui khi mà được tham gia lớp học này và em sẽ cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc của người Jrai mình và khi học xong về em sẽ trao đổi với bà con và bạn bè địa phương của mình”.

Thầy Nguyễn Minh Nhật – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai cho biết: “Trong thời gian vừa qua thì trường cũng đã làm việc và phối hợp tốt với huyện, với Trung tâm VHTT và TT huyện nên cũng đã tổ chức khai giảng 2 lớp truyền dạy nghề cồng chiêng, qua đó trường nhìn nhận huyện thực hiện tích cực, nên tôi tin rằng là lớp học sẽ có kết quả tốt nhất, để sau này các em có thể là nắm được về ngành nghề của mình và truyền dạy cho thế hệ sau nhằm bảo văn hóa công chiêng của khu vực Tây nguyên nói chung cũng như là của tỉnh cũng như huyện Ia Pa nói riêng”.

Trong thời gian hơn 40 ngày, tại lớp học đánh cồng chiêng, 60 học viên của lớp học thuộc các trường THCS trên địa bàn huyện Ia Pa đã được Nghệ nhân dân gian Đinh Chuyên-Trường Cao đẳng Gia Lai  trực tiếp truyền dạy những kỹ năng, điệu thức, cách diễn tấu cồng chiêng dùng trong dịp lễ hội, cách chỉnh sửa chiêng các. Mục tiêu là sau khi kết thúc 120 giờ học, các học viên có thể diễn tấu thành thục một số bài chiêng truyền thống và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng.

Nghệ nhân Đinh Chuyên – Trường Cao đẳng Gia Lai nói: “Tôi được mời dạy trực tiếp con cháu huyện đây, thấy các cháu có đam mê, tôi sẽ cố gắng dạy các kỹ năng cơ bản để các cháu được tiếp thu và kết quả cao nhất, trong đó mục đích là lưu giữ được hiệu quả văn hóa truyền thống cồng chiêng người Jrai, người Barnah nơi đây”.

Từ kinh phí 500 triệu đồng được UBND huyện giao, Trung tâm VHTT và TT huyện đang tích cực thực hiện những danh mục thuộc Đề án 02 như: bổ sung cho phòng trưng bày di sản văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Ia Pa về nhạc cụ, các vật dụng trong lao động, sản xuất, một số trang phục truyền thống của đồng bào Jrai, Bahnar, Tày, Nùng. Bố trí trên 10 nhóm tượng gỗ lễ hội, tổ chức phục dựng Lễ cúng bến nước đồng bào Barnah tại xã Pờ Tó. Đặc biệt, việc mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho học sinh sẽ giúp các em hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó ra sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng.

CTV Mai Linh – Siu Tơ Ni


Lượt xem: 23

Trả lời