Bảo tồn và đánh thức văn hóa đặc sắc Gia Lai

Cập nhật 28/1/2022, 08:01:50

Chúng ta đã đi qua 2021-một năm với muôn vàn khó khăn, thử thách bởi đại dịch. Trên lĩnh vực văn hóa, năm qua cũng không có nhiều sự kiện, lễ hội được tổ chức như thường kỳ, nhưng với Gia Lai, văn hóa vẫn luôn là một kho báu tiềm năng, bởi tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ và phát triển nâng tầm các giá trị, nền tảng văn hóa truyền thống. Cùng nhìn lại công tác bảo tồn và đánh thức các giá trị văn hóa đặc sắc ở Gia Lai qua phóng sự sau đây:

Nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes khi nói về vùng đất Tây Nguyên, có một câu bất hủ: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”… Nói như thế cũng có nghĩa, văn hóa Tây Nguyên, trong đó, Gia Lai vốn dĩ là 1 thực thể ẩn chứa cả một kho tàng phong phú và vô giá, để rồi mỗi khi nhắc đến vùng đất này khiến nhiều người liên tưởng ẩn sâu trong đó là sự kỳ bí và mê hoặc…

Sông Ba-Con sông dài nhất Tây Nguyên, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô, tỉnh Kon Tum đi qua địa phận tỉnh Gia Lai và Phú Yên trước khi đổ về biển Đông tại cửa biển Đà Diễn, phía Nam thành phố Tuy Hòa. Ít ai biết, nơi thượng lưu con sông này lại lưu giữ trong mình dấu ấn các nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại. Chỉ đến khi các nhà khảo cổ học khám phá những bí ẩn từ trong lòng đất. Giờ đây, thế giới đã phải công nhận – vùng đất An Khê, Gia Lai là một trong những cái nôi của loài người, khi các nhà khoa học đã phát hiện, xác lập một hệ thống các di tích sơ kỳ Đá cũ mang tên kỹ nghệ An Khê, có niên đại cách nay khoảng 800.000 năm… Tháng 11/2020, Quần thể Di tích Rộc Tưng – Gò Đá, thị xã An Khê đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích cấp quốc gia…

Tiến sỹ Masojé Miroslaw, Viện Khảo cổ học, Đại học Wrocclaw, Ba Lan  nói: “Những gò đá cũ ở An Khê rất là quan trọng và nó là điểm mới và có thể đại diện cho 1 vùng đất rất lớn và có thể so sánh với các nơi và đây là điểm, vị trí quan trọng hàng đầu ở Châu Á trong quá trình phát triển và tiến hóa của loài người”.

Cùng với giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Gia Lai còn có 4 di sản văn hóa phi vật thể, quần thể di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và nhiều di sản ở nhiều loại hình được xếp hạng cấp tỉnh…

Từ thực tiễn cho thấy: Trong sự biến đổi chung của xã hội ngày nay, văn hóa truyền thống cũng không tránh khỏi sự tác động bởi những yếu tố bên ngoài. Những lễ thức gắn với chu kỳ nông nghiệp cũng không còn nhiều; những quan niệm của thế giới thần linh cổ xưa của đồng bào đang dần bị mai một khỏi thế giới tâm linh, không còn mẹ lúa, thần núi, thần sông, các lễ nghi cổ truyền cũng không còn xuất hiện thường xuyên đã tác động đến sự truyền trao giữa các thế hệ… Do đó, việc gìn giữ, tôn vinh các loại hình văn hóa, nghi lễ tín ngưỡng truyền thống là việc làm hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, xa hơn là phát triển du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương, từ đó, tạo thêm nền tảng, động lực bổ trợ cho công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc…

Lễ cúng giọt nước là nghi thức quan trọng trong đời sống sinh hoạt, tâm linh của cộng đồng người Jrai ở tỉnh Gia Lai, được bà con ở các buôn, làng gìn giữ từ bao đời nay… Điều đáng mừng, trong mấy năm trở lại đây, những nghi lễ này đã được ngành văn hóa địa phương quan tâm phục dựng, tạo nên sự hứng khởi và tiếp thêm động lực cho người dân trong công tác bảo tồn.

Già làng Blơng, làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Nghi lễ này của người Jrai bản địa nơi đây rất có ý nghĩa tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa để bà con làm ăn được thuận lợi, suôn sẻ”…

Ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Tổng hợp Đam San cho biết: “Qua lễ hội ta thấy tính gắn kết cộng đồn, bà con gìn giữ cái vốn quý văn hóa, trên cơ sở đó sẽ gạn lọc được những văn hóa ngoại lại không phù hợp. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã nói đến nhiều về sức mạnh mềm đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước liên quan đến văn hóa, trong thời gian tới chúng ta tiếp tục bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, nhất là không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, qua đó sẽ quảng bá thêm về hình ảnh đất và người Gia Lai đối với công tác du lịch”.

Với quan điểm xuyên suốt của Đảng ta và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, dù trong hoàn cảnh nào, tỉnh Gia Lai vẫn đã, đang và sẽ thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn nền tảng văn hóa truyền thống.

Đề cập một số giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời gian tới trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến ngày 24/11/2021 – 1 sự kiện chính trị văn hóa rất quan trọng, được ví như “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đàng” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới. Hiện nay, cả nước ta có tới 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 1.626 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa thế giới”… Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta. Bác Hồ trước lúc đi xa vẫn còn dặn lại rằng: “Muốn yêu Tổ quốc mình thì phải yêu những khúc hát dân ca!” (Nhạc sĩ Trần Hoàn với bài hát rất xúc động “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”; “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”). Tôi tha thiết mong rằng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Xin chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các quý vị đại biểu, các đồng chí và toàn thể đồng bào ta sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi”.

Dù Gia Lai cũng như các tỉnh trong vùng Tây Nguyên hôm nay đã mang một diện mạo mới trong xu thế phát triển chung của đất nước. Nhưng sự biến đổi, phát triển đó vẫn luôn được xây dựng và sáng tạo trên trên cơ sở truyền thống, tạo ra những ấn tượng tốt đẹp cho văn hóa Tây Nguyên, tạo ra tính huyền ảo, kỳ vĩ và sự hấp dẫn của vùng đất này, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong mái nhà Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…/.

Song Nguyễn- Ksor Tuối – Mạnh Hà


Lượt xem: 215

Trả lời