Bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của vùng DTTS

Cập nhật 27/8/2023, 14:08:54

Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã và đang phát huy nguồn lực từ Chương trình cùng sự cộng đồng trách nhiệm của mỗi người DTTS ở các thôn, làng để góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của vùng DTTS trong tỉnh.

Đối với đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên nói chung, đồng bào Jrai và Bahnar ở Gia Lai nói riêng thì dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống và luôn gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, trở thành nét văn hóa độc đáo và đặc sắc. Bằng tình yêu, tâm huyết với nghề, nhiều nghệ nhân vẫn đang nỗ lực gìn giữ, duy trì và tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm. Đến làng Plei R’Bai ở xã Ia Piar (đọc là Ia Pia), huyện Phú Thiện lúc mùa màng rảnh rỗi, những phụ nữ Jrai nơi đây lại miệt mài bên khung dệt để tạo nên những sản phẩm áo, váy và khăn thổ cẩm… Để có thể dệt nên những sản phẩm với màu sắc bắt mắt, hoa văn độc đáo, người dệt không chỉ tỉ mẫn từ khâu kéo sợi, phối màu mà còn đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay và có sự sáng tạo.

Bà Rơ Mah H’Chiu – Làng Plei R’Bai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện tự hào nói: “Lúc nào rảnh thì mình dệt. Đây là nghề truyền thống được ông bà xưa để lại, sau này mình già không làm được nữa thì con cháu xem những chiếc váy, chiếc áo này cũng hiểu và tự hào về truyền thống của dân tộc mình.”

Chị Nay H’Đương – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Plei R’Bai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện cho biết: “Mấy năm trước cũng có thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm ở làng Plei R’Bai, những người lớn tuổi sẽ truyền lại cho con cháu để duy trì nét văn hóa của dân tộc mình. Nếu mà có đầu ra, câu lạc bộ có thu nhập và hoạt động tốt hơn.”

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 100 câu lạc bộ dệt thổ cẩm, trong đó tập trung ở các địa phương như huyện Chư Păh, huyện Phú Thiện, huyện Kông Chro, TP.Pleiku… Có thể nói, dù tình yêu với nghề dệt thổ cẩm được đồng bào DTTS Jrai và Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai thể hiện theo cách riêng của mỗi người, nhưng mục đích chung vẫn là góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS. Và với  niềm tự hào dân tộc, sự tiếp nối, trao truyền, cùng sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa hết sức đặc sắc của nghề dệt thổ cẩm trong nhịp sống hiện đại.

Chị Siu Thỏi – Xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh chia sẻ: “Mình là thế hệ trẻ thì mình phải lưu giữ lại văn hóa truyền thống của ông bà để lại. Nếu mình không lưu giữ lại thì sẽ mất truyền thống.”

Bà Rơ Châm Sên – Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh thông tin: “Từ khi thành lập, câu lạc bộ cũng mang lại hiệu quả kinh tế. Các chị em dệt ra sản phẩm, bán lại cho các xã lân cận. Các sản phẩm được trưng bày tại homestay, khi khách du lịch đến có thể quảng bá được sản phẩm du lịch của địa phương.”

Kỳ vọng hồi sinh những làng nghề truyền thống của đồng bào DTTS là điều có thể thực hiện khi Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1 (2021-2025) đang triển khai thực hiện với nhiều dự án, nội dung và mục tiêu để giải quyết các vấn đề khó khăn, thiết yếu phục vụ dân sinh của địa phương; trong đó có chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống của đồng bào DTTS. Cùng với nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát hiện cũng được đồng bào DTTS tại một số địa phương trong tỉnh Gia Lai nỗ lực gìn giữ; vừa giúp bà con DTTS nâng cao thu nhập và cũng để truyền dạy lại nghề truyền thống của cha ông cho thế hệ con cháu, dân làng.

Ông Hyơk – Làng Ngơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa bày tỏ: “Mong muốn con cái mình sau này và con cháu phải học, làm theo.  Không biết thì mình phải học. Chỗ nào trong làng và ông nào cũng biết; nếu con cháu nào mà thích học, thích đan cái này thì qua nhà chú hoặc qua nhà anh em trong làng. Nói chung ai ai cũng biết hết, muốn học để lưu lại truyền thống.”

Ông Nguyễn Song Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pết, huyện Đak Đoa trao đổi: “Đối với ngành nghề này thì UBND xã cũng đã có hướng là sẽ hỗ trợ cho người dân thứ nhất là máy móc để giảm thiểu công vuốt những nan tre, thứ hai nữa là cũng dự tính sẽ xây dựng một nhà từ nguồn vốn của Chương trình MTQG để hỗ trợ tổ vừa có chỗ trưng bày sản phẩm đan lát trên địa bàn xã và thu hút những đoàn du lịch đến tham quan.”

Với mục tiêu vừa bảo tồn văn hóa dân tộc, vừa tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho người dân để góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS; các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo trong thanh niên DTTS được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra những động lực mới cho vùng DTTS của tỉnh Gia Lai phát triển. Đơn cử như Dự án “Làng nghề đan lát truyền thống thanh niên” của chị Rơ Mah H’Dịu – Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ. Dự án được triển khai trên cơ sở tận dụng nguồn nhân lực sẵn có tại địa phương, vận động các nghệ nhân, những người lớn tuổi trong làng biết nghề đan lát để truyền dạy đoàn viên, thanh niên. Dự án đã đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh Gia Lai lần thứ VI năm 2022 do Tỉnh đoàn Gia Lai tổ chức và được vào vòng bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Thông qua mô hình nhằm góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời thúc đẩy, cổ vũ, khơi dậy những ý tưởng khởi nghiệp trong đồng bào DTTS, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các vùng DTTS.

Chị Rơ Mah H’Dịu – Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ cho biết: “Sẽ xây dựng 1 điểm trưng bày các sản phẩm và hiện tại em đã có điểm đó rồi. Sau này mình sẽ cố gắng làm những sản phẩm mà nó đơn giản, có thể dùng trong đời sống hàng ngày, vừa thân thiện với môi trường, vừa có tính ứng dụng cao.”

Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được xem là đòn bẩy giúp đồng bào các DTTS bảo tồn, khai thác các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, biến di sản thành tài sản; tạo lực đẩy giúp các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế, du lịch, nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS.

Mỹ Tiến – Thiên Thanh – Phi Long – Duy Linh


Lượt xem: 14

Trả lời