Báo động tình trạng tiêu chết trên địa bàn huyện Đak Đoa

Cập nhật 15/2/2017, 08:02:50

Phát triển diện tích tiêu một cách ồ ạt không theo định hướng của địa phương đã và đang làm phá vỡ quy hoạch diện tích cây trồng của huyện Đak Đoa; thế nhưng một điều đáng quan tâm hiện nay đó là tình trạng tiêu chết cũng bắt đầu xuất hiện tại nhiều vườn tiêu trên địa bàn huyện.

Thực tế này đã và đang đặt ra một vấn đề rằng cần có giải pháp trong phát triển diện tích loại cây trồng này để đảm bảo kinh tế cho người nông dân cũng như tránh những hậu quả có thể xảy ra khi dịch bệnh trên cây hồ tiêu ngày càng nghiêm trọng.

 200 trụ tiêu kinh doanh trong tổng số 800 trụ tiêu của gia đình anh Võ Mạnh Nhật ở thôn 1 (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) mặc dù mới chỉ bước sang năm thứ 2 cho thu hoạch nhưng khoảng 30% số trụ tiêu  đã bị bệnh và chết dần. Cũng theo anh Nhật thì không chỉ riêng gia đình anh mà tình trạng tiêu chết trên địa bàn đang xảy ra khá nhiều trong khoảng nửa năm trở lại đây.

Anh Nhật cho biết: “Mình thấy dân người ta trồng nhiều quá mình cũng  trồng. Mình thấy người ta đổ thuốc thì mình đổ thuốc thôi nhưng mà chết thì nó cứ chết chứ mình không biết”.

Thống kê trên địa bàn xã Nam Yang hiện có khoảng 345 ha tiêu và đây cũng là địa phương có diện tích hồ tiêu bị bệnh chết nhiều nhất của huyện Đak Đoa tính đến thời điểm này. Những vườn tiêu với vài trăm trụ được người dân trồng cách đây hơn 10 năm giờ chỉ còn trơ lại thân khô … thậm chí nhiều vườn tiêu chỉ mới bước sang năm thứ 4, thứ 5 đã bị bệnh và bắt đầu chết dần dù người dân cũng đã có biện pháp xử lý bệnh dịch.

Anh Trịnh Văn Bông – xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Mấy vườn này là trồng năm 1997, đến năm 2013 thì bị nước, rồi chết nhanh chết chậm; đổ thuốc cũng không lại. Bên kia thì cũng có ít nhiều, nói chung 1.000 trụ thì mất đi  khoảng 30 trụ; còn bên này thì mất sạch rồi, còn ít thôi. Nói chung số lượng 400 trụ thì mất còn 200 trụ” .

Theo Nghị quyết HĐND huyện Đak Đoa đề ra cho giai đoạn 2010-2015 đối với việc phát triển diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện là trung bình mỗi năm 100ha. Tuy nhiên trên thực tế, con số này tăng gấp 3-4 lần so với quy hoạch theo nghị quyết của huyện đề ra. Phát triển diện tích một cách ồ ạt bởi tâm lý chạy theo thị trường khi giá hồ tiêu những năm gần đây luôn ở mức cao, trong khi vấn đề cốt lõi là khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc hồ tiêu thì không phải ai cũng hiểu rõ; để rồi khi bệnh xuất hiện, biện pháp xử lý cũng không đúng dẫn đến bệnh lây lan và cuối cùng là tiêu chết. Thế nhưng điều đáng nói là bất chấp khuyến cáo của địa phương và ngành chuyên môn, người dân vẫn tiếp tục trồng mới hồ tiêu và diện tích tiêu của huyện theo đó cũng ngày càng tăng lên.

Ông Lê Tấn Hùng – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa, Gia Lai   cho biết: “Tính đến cuối năm 2016 thì huyện Đak Đoa đã có 3.500ha và trong những năm gần đây thì diện tích hồ tiêu của Đak Đoa phát triển nhanh so với một số địa phương khá. Để đảm bảo cho vấn đề phát triển diện tích gây ảnh hưởng dịch bệnh thì đề nghị người dân thận trọng và nhắm vào khả năng đầu tư của mình để đầu tư cho nó hiệu quả, biết phòng trừ sâu bệnh hại. Và vấn đề của cơ quan chức năng, về chuyên môn thì luôn luôn tạo điều kiện tối đa để người dân am hiểu về kỹ thuật. Huyện cũng thường xuyên có tổ chức các lớp tập huấn, các chương trình, dự án để mà hướng dân người dân am hiểu khoa học kỹ thuật, tập trung đầu tư để mà hồ tiêu phát triển ổn định trên địa bàn”.

Thiệt hại về kinh tế, thậm chí là mất trắng khi tiêu bị bệnh và chết là điều trước mắt có thể nhận thấy, thế nhưng với nhiều người trồng tiêu trên địa bàn huyện Đak Đoa vẫn còn tâm lý “Thua keo này bày keo khác”. Và rõ ràng khi mà bài toán kinh tế với người trồng tiêu chưa tìm được đáp án thích hợp thì những báo động cũng như hậu quả của tình trạng tiêu bị bệnh chết sẽ không chỉ dừng lại như bây giờ… ./.


Lượt xem: 133

Trả lời