Ban Chỉ đạo Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh (IFAD) họp đánh giá hiệu quả Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Cập nhật 12/12/2016, 14:12:39

Ban Chỉ đạo Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh (IFAD)  vừa  tổ chức cuộc họp đánh giá hiệu quả Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đồng thời đề ra chiến lược kết thúc dự án. Tham gia cuộc họp có đồng chí Kpă Thuyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo dự án; lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng các địa phương được hưởng lợi dự án IFAD.

12-12-bcd

Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (IFAD) được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến nay tại 231 thôn, làng của 26 xã thuộc 5 huyện Đak Đoa, Kông Chro, Kbang, Ia Pa và Krông Pa với nguồn vốn 287,1 tỷ đồng. Đến nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là 1.115 doanh nghiệp tăng 29% so với mục tiêu dự án đề ra. Dự án đã tổ chức 17 hội nghị liên kết ngành hàng giữa doanh nghiệp và các nhóm chung sở thích tại 5 huyện tham gia dự án. Nhờ đó có 86 doanh nghiệp liên kết với nhóm để cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Từ khi thực hiện đến nay đã có trên 21.500 hộ gia đình được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, đạt 101,8% so với mục tiêu dự án đề ra. Đặc biệt, 12/26 xã tham gia dự án đạt trên 50% tiêu chí nông thôn mới…Dự án đã xác định được 5 chuỗi giá trị chính vì người nghèo gồm chuỗi bò (Krông Pa); mỳ (Ia Pa); bắp (Kông Chro); mía (Kbang) và cà phê (Đak Đoa). Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển đã thành lập được 172 nhóm tiết kiệm vay vốn với 1.849 lượt người vay với số tiền hơn 23 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn trả lãi và gốc đúng hẹn 100%. Qũy quay vòng vật tư đã tài trợ 419 nhóm chung sở thích với số tiền 16,7 tỷ đồng. Quỹ phát triển cộng đồng thực hiện được 2 hệ thống nước sạch, trên 6.600m kênh mương, san ủi 66 ha xây dựng đồng ruộng, nâng cấp 3 trạm bơm, xây dựng gần 41 km đường giao thông…

Phát biểu tại cuộc họp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đánh giá cao những kết quả mà Ban điều phối cùng các đơn vị tham gia thực hiện góp phần mang lại cho người dân, nhất là người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo tại 5 huyện hưởng lợi. Dù vậy dự án vẫn còn những hạn chế như chưa lồng ghép một cách hệ thống vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Số doanh nghiệp đối thoại còn ít, việc nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm thành công còn hạn chế… Trong thời gian tới Ban điều phối dự án tỉnh cần hoàn chỉnh báo cáo đánh giá kết thúc dự án gửi Văn phòng IFAD và các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan quản lý của tỉnh. Tổ chức các hội nghị, hội thảo bàn giao các sản phẩm, phương pháp thực hiện hiệu quả, tham mưu UBND tỉnh ban hành áp dụng vào các chương trình của tỉnh như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề xuất nhân rộng các mô hình sản xuất thành công…

Mai Loan, Minh Vũ


Lượt xem: 111

Trả lời