Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV tổ chức Hội nghị lần thứ 10 (mở rộng)

Cập nhật 29/9/2017, 08:09:54

Như chúng tôi đã đưa tin, Sáng 28/9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV đã khai mạc Hội nghị lần thứ 10 (Mở rộng) để đánh giá công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện trên các lĩnh vực 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng còn lại của năm 2017; đồng thời, đánh giá việc thực hiện một số nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được triển khai trong thời gian qua. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/9. Phiên khai mạc hội nghị dưới sự chủ trì của các đồng chí: Dương Văn Trang – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai; Hồ Văn Niên – Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Gia Lai; Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Dự hội nghị có đại diện một số bộ, ngành  Trung ương và  Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Dương Văn Trang – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát nội dung chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian qua, nhất là Nghị quyết của Tỉnh ủy về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017 và tình hình thực tiễn của tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị để phân tích kỹ tình hình, chỉ rõ những kết quả đạt được, nêu rõ những vấn đề mới nảy sinh, những hạn chế, yếu kém chưa được khắc phục; từ đó đưa ra các giải pháp để dồn sức chỉ đạo quyết liệt trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đồng chí Dương Văn Trang đề nghị tập trung thảo luận, làm rõ những hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực  trọng tâm.

Dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm do đồng chí Trần Ngọc Chi – Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy trình bày, nêu rõ: mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tổng mức bán lẻ, kim ngạch xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ; các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được phân bổ kịp thời; thu ngân sách tăng cao so với cùng kỳ. Văn hóa – xã hội tiếp tục có bước phát triển; công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng – an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố, phát huy được hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch các loại cây trồng chưa chặt chẽ, nhất là việc phát triển diện tích cây hồ tiêu; Bên cạnh đó các dự án, chương trình trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai còn chậm; công tác giảm nghèo chưa thật sự vững chắc; tình hình an ninh chính trị vẫn còn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp, tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao; công tác cải cách hành chính tụt 12 bậc; một số tổ chức Đảng ở cơ sở chưa phát huy được vai trò là hạt nhân lãnh đạo.

Tiếp đó, các đại biểu  nghe UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành trình bày dự thảo về: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII về phát triển các vùng kinh tế động lực giai đoạn 2007 – 2015 và định hướng đến năm 2020; Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 35 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh; Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu được chia thành 4 Tổ tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những tồn tại, nguyên nhân không đạt trên một số chỉ tiêu và đề ra các giải pháp để thực hiện.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng cánh đồng lớn, ông Trương Phước Anh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Từ nay đến cuối năm Sở sẽ có cơ chế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng với chính quyền địa phương thành lập được các hợp tác xã; tạo được mối liên kết chặt chẽ về lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân để thu hút người dân tham gia cánh đồng lớn; Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh có những điều chỉnh về xây dựng cánh đồng lớn. Về chỉ tiêu trồng rừng không đạt, ông Trương Phước Anh đề nghị các địa phương cần tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác trồng rừng; phối hợp giải quyết tình trạng tranh chấp đất rừng giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp và người dân. Đối với những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới, ông Trương Phước Anh cho rằng nguyên nhân là do khi lựa chọn làm điểm thì chúng ta chọn những xã, huyện khó khăn để ưu tiên nguồn lực đầu tư; mặt khác khi ban hành bộ tiêu chí mới thì số tiêu chí thành phần của 19 tiêu chí tăng lên; nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới chưa tương xứng; đội ngũ cán bộ trong xây dựng nông thôn mới còn những hạn chế nhất định. Riêng đối với 22 xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2017 cần tập trung cao độ để hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

                   Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: “Các địa phương cần tập trung lồng ghép các chương trình, dự án để hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và tập trung tuyên truyền, vận động. Các xã thì cần phần công cho từng cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới để tiến hành rà soát kỹ lưỡng. Đối với những tiêu chí đã đạt cần rà soát, xem xét lại đã chắc chắn chưa, đã thực hiện đầy đủ các tiêu chí thành phần, cần thực hiện them nội dung gì; đối với các tiêu chí chưa đạt thì phải xây dựng giải pháp hết sức cụ thể, thiết thực để triển khai thực hiện”.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, ông Hồ Phước Thành – Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư, lý giải: bên cạnh nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan là do công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương gặp nhiều khó khăn, năng lực một số nhà thầu không đảm bảo. Để khắc phục những hạn chế này thì vừa qua, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh cho các nhàu thầu tạm ứng trước kinh phí và tạo điều kiện giải quyết các thủ tục đối với các dự án phải triển khai 2 bước; đồng thời tham mưu điều chỉnh dự án có khối lượng thấp chuyển qua các dự án có vốn cao hơn và đề nghị UBND tỉnh phê bình đối với 11 nhà đầu tư có tiến độ giải ngân mới đạt dưới 40%.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý giống cây trồng, vật tư nông nghiệp; việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất theo bộ tiêu chí mới; khi giao chỉ tiêu phải phù hợp với điều kiện với địa phương; đối với công tác giảm nghèo, cần có định hướng rõ ràng cho người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Về phát triển du lịch trên địa bàn, ông Phan Xuân Vũ – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Dù doanh thu ngành du lịch 9 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ song lượng khách quốc tế đến Gia Lai lại giảm 10%. Nguyên nhân là do khách quốc tế đến Gia Lai là để tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số và đi theo tua, chỉ lưu lại trong thời gian ngắn, cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch lưu trú còn nhiều hạn chế nên chưa thu hút được khách du lịch lưu lại. Để khai thác tiềm năng và phát triển được du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn, ông Phan Xuân Vũ cho rằng: Tỉnh cần kêu gọi được các nhà đầu tư vào du lịch và coi phát triển du lịch là trách nhiệm chung của các ngành, địa phương.

                   Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phát biểu: “Mỗi huyện cần xây dựng phương án phù hợp với tình hình thực tế để thực hiện Nghị quyết 43 của Tỉnh ủy và theo tôi đây là chúng ta tiếp nối thực hiện theo Chương trình 35 và Nghị quyết số 13 của BTV Tỉnh ủy trước đây. Và như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nói là chúng ta đã đề ra rồi nhưng chúng ta không thực hiện cho nên ở đây là trách nhiệm chung của chúng ta, chưa tham mưu quyết liệt cho nên 3 năm còn lại đây từ nay đến năm 2020 thì chúng ta phải bám sát để thực hiện các mục tiêu. Và theo tôi ngoài nội lực của ta thì chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kêu gọi được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh”.

Về tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay mặc dù đã giảm 2 tiêu chí về số vụ và số người bị thương song vẫn còn diễn biến phức tạp, trong đó có những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, đa phần nguyên nhân là do ý thức của chính người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Về các giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Quế – Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông; đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát  đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.

Ngày 29/9, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV tổ chức Hội nghị lần thứ 10 (mở rộng) sẽ tập trung thảo luận chung tại Hội trường, thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn và sẽ bế mạc vào buổi chiều cùng ngày.

Đức Hải, Thanh Sáng


Lượt xem: 32

Trả lời