Bác Hồ trong lòng đồng bào các dân tộc ở Gia Lai

Cập nhật 19/5/2022, 07:05:10

Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn hướng về Tây Nguyên với những tình cảm thân thương đặc biệt. Đáp lại tình cảm đó, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng luôn tin tưởng và tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù Bác đã đi xa gần 52 năm, nhưng hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới luôn sống mãi trong lòng người dân các dân tộc Gia Lai. Không chỉ bằng tấm lòng, điều này còn được đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực khi luôn nêu cao và vận dụng việc học tập và làm theo lời Bác dạy vào trong cuộc sống.

Dù chưa một lần được gặp Bác Hồ nhưng rất nhiều người dân tại thị xã An Khê, nhất là bà con dân tộc Bahnar và các hội viên Cựu Chiến binh vẫn luôn dành tình cảm kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh theo một cách thật đặc biệt đó là treo ảnh và thờ ảnh Bác Hồ. Không chỉ được treo trang trọng trong mỗi nhà dân, hình ảnh Bác Hồ còn được thờ tại các nhà rông, nhà sinh hoạt chung ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thời gian và có sự kế thừa, điều này đã trở thành nét văn hóa của người Bahnar ở thị xã An Khê.

Anh Đinh Giót, Làng Nhoi, xã Tú An, thị xã An Khê chia sẻ: “Hình ảnh Bác Hồ mình vẫn giữ lại để sau hết đời mình còn đời cháu, đời chắc mình truyền đạt lại cho họ làm sao đừng có đánh rơi, đừng có bỏ lại hình ảnh của Bác Hồ. Bác Hồ là quý nhất, sống tới ngày hôm nay, độc lập tự do cũng là nhờ Bác, bây giờ không thấy Bác chớ mà hình ảnh vẫn còn thì cũng như Bác còn sống mãi mãi với dân”.

Không chỉ treo ảnh, thờ cúng Bác, tình cảm mến yêu dành cho Bác còn được người dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Đó là việc học tập và vận dụng những điều Bác dạy, những phẩm chất quý giá của Bác trong cuộc sống cũng như trong học tập, lao động, sản xuất. Thấm nhuần lời dạy cũng như tư tưởng quý giá mà Bác để lại, ông Rơ Mah Klut  – Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ làng Sung Le Kăt, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ luôn gương mẫu, phát huy tinh thần đoàn kết của dân làng để đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn cũng như nâng cao đời sống người dân. Kết quả này càng khẳng định tính đúng đắn của lời Bác dạy và ngày càng được nhân dân tin tưởng làm theo.

Ông Rơ mah Klút, Bí thư Chi bộ, trưởng làng Sung Le Kăt, xã Ia Kla, Đức Cơ cho biết: “Bác Hồ nói, đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết. Mình cũng thấy vậy, trong làng mọi việc đều sẽ được hoàn thành khi mọi người đoàn kết đồng lòng. Mình cũng cố gắng làm tốt cương bị mà Đảng tin tưởng giao:.

Yêu quý, kính trọng và tưởng nhớ Bác, phong trào học tập và làm theo Bác luôn được nhân rộng và tạo nên sức lan tỏa đặc biệt trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Dù là ai, ở cương vị nào, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn soi rọi và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, qua đó, góp phần giúp mỗi cá nhân, tập thể luôn vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Cô giáo Trần Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Pleiku cho biết: “Học tập Bác về làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, những năm qua, bản thân tôi cùng BGH năng động sáng tạo trong quản lý, xây dựng trường lớp ngày càng khang trang, xanh sạch đẹp an toàn, tổ chức rất nhiều Hội thi cho các cháu và mang lại kết quả cao. Vận dụng tấm gương của Bác trong cuộc sống hàng ngày thì tôi cố gắng tạo được bầu không khí làm việc thân thiện, cởi mở, luôn luôn lắng nghe và chia sẻ với cán bộ, giáo viên”…

Mặc dù có nhiều hình thức thể hiện, nhiều cách thức vận dụng, nhưng dù ở phương diện nào, việc học tập và làm theo Bác cũng đều xuất phát từ tình cảm yêu quý, kính trọng và biết ơn đối với vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Đây cũng chính là sợi dây kết nối vô hình được lưu truyền từ đời này sang đời khác, luôn được thế hệ trẻ ngày nay tiếp nối và phát huy.

Em Rơ Lan H Trúc, Trường Tiểu học Anh hùng Núp, TP. Pleiku nói: “Ở trường em được học và được thầy cô kể chuyện về Bác Hồ. Em rất yêu quý bác Hồ. Em học ở Bác là phải làm sao ngày càng ngoan ngoãn, học tập tốt, giữ gìn văn hóa của dân tộc mình”.

Dù Bác Hồ chưa một lần đến Tây Nguyên, song tình cảm của người dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn dành cho Người tình cảm sắc son và sâu đậm nhất. Tin tưởng đi theo Đảng, Bác Hồ, dù là trong thời chiến hay trong thời bình, đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn đoàn kết, đồng lòng để vượt qua mọi khó khăn, ra sức thi đua, cống hiến sức lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh như mong mỏi và kỳ vọng của Bác./.

Ngô Thanh, Duy Linh


Lượt xem: 26

Trả lời