Bà con ở các buôn, làng huyện Krông Pa kỳ vọng vào chương trình, nguồn lực đầu tư mới

Cập nhật 21/7/2021, 09:07:34

Huyện Krông Pa có 14 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã, 6 làng thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, do đó, huyện luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách dân tộc…

Để tiếp tục đưa chính sách dân tộc đi vào cuộc sống, huyện đã, đang tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách mang tính chiến lược của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, với mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của bà con ở các buôn, làng so với  các khu vực khác trong huyện, trong tỉnh.

Những năm qua, huyện Krông Pa đã được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng để phát triển kinh tếxã hội, trong đó, tập trung thực hiện các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng DTTS, đặc biệt là chương trình định canh, định cư... Trong 5 năm trở lại đây, huyện đã ưu tiên các nguồn vốn được phân bổ xây dựng và tổ chức bố trí nơi ở mới cho nhiều hộ dân ở các buôn, làng. Trong quá trình triển khai, địa phương luôn quan tâm gắn công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm tạo thế ổn định vững chắc với việc giúp người dân ổn định và phát triển sản xuất… Nhiều gia đình trong vùng dự án đã xây dựng được giếng nước riêng, có vườn rau và khu chuồng trại nuôi nhốt gia súc tách biệt với nơi ở… Nguồn lực đầu tư là khá lớn, nhưng toàn huyện vẫn còn nhiều buôn, làng vùng 3 hiện đang phải đối diện với không ít khó khăn… có hộ thì thiếu đất ở, hộ thì thiếu đất sản xuất, thiếu công trình vệ sinh theo chuẩn nông thôn mới…
Bà Ksor H Per, buôn Ia Klon, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, Gia Lai chia sẻ: “Nhà mình hiện chưa có đất làm nhà phải mượn đất để làm tạm căn nhà này ở. Bây giờ chồng phải đi làm thuê để nuôi gia đình, mong sao có sự quan tâm đầu tư của cấp trên”.
Anh Ksor Blok, buôn Tơ Ne, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai cũng nói: “Gia đình có người ốm đau, hiện nay, chăn nuôn cũng khó khăn, trồng mỳ cũng bị hạn, rất mong được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để làm ăn”.

Để đưa chính sách dân tộc đi vào chiều sâu, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, Nghị quyết số 120 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn… Phải nói rằng, đây là chương trình mang tính tổng thể, được người dân đặt nhiều kỳ vọng… Do đó, huyện Krông Pa đã xây dựng, đăng ký nhóm chương trình đầu tư, trước mắt tập trung cho các xã, buôn, làng khó khăn nhất…

Ông Nay Trinh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Thời gian tới, khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thực hiện, bao gồm 10 dự án thành phần. Theo đăng ký nhu cầu, chúng tôi đã đăng ký thực hiện dự án định canh, định cư, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho bà con và tiếp tục hoàn thiện việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng”.
Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục rà soát để có phương án phù hợp triển khai chương trình khi được phê duyệt và phân bổ vốn đầu tư, kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bản thân mỗi người dân, mỗi gia đình phải nâng cao ý thức tự nỗ lực vươn lên./.

 Song Nguyễn, Mạnh Hà


Lượt xem: 38

Trả lời