Ayun Pa quan tâm hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vùng dân tộc thiểu số

Cập nhật 09/6/2023, 15:06:40

Thị xã Ayun Pa hiện có gần 9.850 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 45% và đa phần người dân sản xuất nông nghiệp là chính. Thời gian qua, thị xã Ayun Pa đã bố trí, lồng ghép các nguồn vốn để tập trung hỗ trợ cho bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất, giá trị trên một đơn vị diện tích để từng bước nâng cao đời sống.

Mô hình chuyển đổi từ cây ngắn ngày sang trồng cây điều cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Sao được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ayun Pa triển khai trong năm 2022. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án là gần 450 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 200 triệu đồng, còn lại 8 hộ  tham gia đối ứng. Khi tham gia mô hình, các hộ  được cấp cây giống, hỗ trợ phân bón và hướng dẫn khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, cây điều đang sinh trưởng, phát triển tốt và hứa hẹn sẽ giúp bà con dân tộc thiểu số ở xã Ia Sao mở ra hướng canh tác mới trên diện tích cây ngắn ngày kém hiệu quả.

Ông Rơ Com Thiếu – Bôn Hoang 1, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa chia sẻ: “Gia đình tôi có 1,7 ha trồng mỳ nhưng hiệu quả thấp nên khi thấy Nhà nước triển khai mô hình trồng cây điều thì tôi tham gia với mong muốn đem lại thu nhập cao hơn vì đối với cây mỳ thì giá cả bấp bênh thu nhập không được bao nhiêu.”

Bà Nguyễn Thị Tánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa cho biết: “Năm 2022 khi có nguồn vốn khoa học công nghệ thì UBND xã đã đăng ký thực hiện mô hình này nhằm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vùng dân tộc thiểu số, nâng cao thu nhập cho người dân. UBND xã đã đăng ký thực hiện 10 ha và triển khai cho 8 hộ dân. Hiện nay thì cây điều phát triển rất là tốt.”

Cùng với tập trung chuyển đổi diện tích những cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng dài ngày, từ năm 2018 đến nay, thị xã Ayun Pa cũng đã triển khai nhiều mô hình trên những cây trồng ngắn ngày giúp bà con có thêm lựa chọn trong canh tác và nâng cao năng suất, sản lượng trên những cây trồng chính ở địa phương, như: mô hình cây ngô ngọt, mô hình lúa 1 giống, lúa chất lượng cao, mô hình sản xuất rau sạch… với tổng kinh phí hàng tỷ đồng.

Ông Ksor Ploanh – Tổ 3, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa nói: “Gia đình tôi trước đây trồng 3 sào thôi nhưng thấy đem lại lợi nhuận cao nên tôi thuê thêm đất là 1 ha để trồng. Hiện nay thì cây bắp đang phát triển tốt và dự kiến khi thu hoạch sẽ đem lại lợi nhuận khoảng 40%.”

Theo thống kê, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng dân tộc thiểu số của thị xã Ayun Pa là gần 13%, chiếm trên 83% tổng số hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương. Do đó, địa phương đang tập trung hỗ trợ nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất trong vùng dân tộc thiểu số để nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Siu Nheng- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ayun Pa cho biết: “Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp sẽ lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ thực hiện các mô hình cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, chuyển giao trực tiếp cho người dân để từng bước nâng cao năng suất, đem lại hiệu quả cao.”

Theo đó, thị xã Ayun Pa sẽ bố trí, lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và từ nhiều chương trình, dự án khác, nhất là vốn của Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi để triển khai các mô hình, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vùng dân tộc thiểu số nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp./.

Đức Hải – Phi Long


Lượt xem: 9

Trả lời