Anh Nguyễn Quang Phú làm giàu từ mô hình cây ăn trái tổng hợp trên vùng biên giới

Cập nhật 19/10/2021, 13:10:38

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là phát triển cây ăn trái đang là lựa chọn của nhiều nông dân trong những năm gần đây. Thế nhưng phát triển cây ăn trái theo hướng thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều cũng cần phải tính đến. Trên vùng biên giới Chư Prông, mô hình cây ăn trái tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Quang Phú ở làng Bỉh, xã Ia Puch được đánh giá là mô hình hiệu quả khi kết hợp đa dạng nhiều loại cây ăn trái để cho thu nhập mỗi năm trên dưới vài trăm triệu đồng.

07 năm sau ngày quyết định trồng những cây ăn trái đầu tiên trên chính diện tích cà phê chuyển đổi của gia đình, đến nay mô hình cây ăn trái của gia đình anh Nguyễn Quang Phú ở làng Bỉh, xã Ia Puch, huyện biên giới Chư Prông đã phát triển lên 05 ha. Lấy nguồn thu từ vườn cây ăn trái của năm trước để tiếp tục đầu tư cho năm sau, diện tích cây ăn trái của gia đình anh mỗi năm đều tăng lên và nguồn thu cũng khá hơn.

Anh Phú cho biết: “Diện tích của mình ở đây mình thấy nó không phù hợp cho cây cà phê, nắng nóng nhiều. Chuyển sang cây ăn trái ban đầu thì cũng từ từ làm,chuyển đổi nhưng mà từ từ làm bởi vì kinh phí của mình không có. Mình chuyển sang cây này thấy năng suất hơn,kinh tế hơn, đạt hiệu quả hơn so với làm cây truyền thống cà phê”.

Với suy nghĩ không trồng riêng một loại cây ăn trái nào mà cần phải đa dạng các loại cây ăn trái để mùa nào cũng có thu hoạch, đáp ứng thị trường; và quan trọng hơn là để tránh thua lỗ nếu không may giá một loại cây trái nào đó không đủ cho chi phí đầu tư; vì vậy trên diện tích 05 ha cây ăn trái của gia đình, anh Phú tập trung phát triển 1.000 cây chôm chôm, 600 cây mít, 400 cây bưởi, 400 cây ổi và hiện đang trồng thêm một số loại cây khác như mãng cầu, quýt… Những năm trước, thương lái đến tận vườn thu mua; tuy nhiên hai năm gần đây do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, giá cả một số loại trái cây có giảm nhưng vẫn ổn định hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác.

Anh Phú chia sẻ thêm: “Thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng nó ưu đãi hơn cho cây ăn trái ở đây;nhưng mà đầu ra sản phẩm mình làm ra tiêu thụ hơi chậm. Cái đó mình cũng không trách được tại vì bây giờ năm nay dịch, xe không đi được hàng, chậm. Nhưng mà chuyển đổi như mình cũng kinh tế, hiệu quả rất nhiều so với những cây truyền thống của mình”.

Phát triển và mở rộng diện tích, gia đình anh cũng đã đầu tư hệ thống tưới béc dưới gốc. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu tuy có tốn kém nhưng về lâu dài đã giúp giảm được công lao động và hiệu quả kinh tế mang lại cũng cao hơn nhiều.

Chị Phạm Thị Mừng (Vợ anh Phú) cho biết: “Làm nhiều nên tưới tay không thể nổi được nên mình làm hệ thống tưới tự động này, thì nó vừa khỏe mình mà cây nó lúc nào cũng có nước, đạt hơn là tưới tay. Mô hình tưới nước này cũng học ở dưới Đồng Nai luôn, trên này chưa ai làm đâu,mình làm đầu tiên luôn đó”.

Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Puch, huyện Chư Prông, Gia Lai nhận xét: “Xã cũng chung tay dồn sức, dồn lực cho người dân; đặc biệt là cầu nối đối với các ngân hàng, đặc biệt là NHCSXH. Riêng chỗ nhà anh Phú với chị Mừng đây thì UBND xã đã làm cầu nối cho vay nguồn vay 100 triệu đồng để đầu tư và cuối tháng 12/2020 đã giải ngân cho gia đình đầu tư. Hiện tại số tiền 100 triệu đồng anh đã mạnh dạn đầu tư thêm 02 ha dừa xiêm và hiện tại thì cây dừa xiêm đã được gần 01 năm tuổi, lên rất là tốt”.

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hiệu quả kinh tế mang lại từ những mô hình cây ăn trái tổng hợp như của gia đình anh Nguyễn Quang Phú ở làng Bỉh, xã Ia Puch, huyện biên giới Chư Prông đã và đang là mô hình cần được nhân rộng. Đất không phụ người, giờ đây mùa nào trong năm gia đình anh Phú cũng đều có trái cây thu hoạch và dự định phát triển trang trại cây ăn trái với diện tích hàng chục hecta trong thời gian tới cũng đang được anh Phú ấp ủ./.

Mỹ Tiến, Duy Linh


Lượt xem: 22

Trả lời