Ấn tượng Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ nhất năm 2022

Cập nhật 20/4/2022, 17:04:09

Sau 2 ngày diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang đậm sắc màu của không gian văn hóa truyền thống Tây Nguyên, Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ nhất năm 2022 đã khép lại với rất nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân và du khách phương xa.

Dù diễn ra trong thời gian ngắn nhưng Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai đã đem đến cho phố núi Pleiku một bầu không khí sôi nổi, sống động. Hơn 800 nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số đến từ 16 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tạo nên một không gian lễ hội độc đáo, thông qua việc phục dựng một cách nguyên bản các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa của đồng bào Jrai; Bahnar như: Lễ bỏ mả; Lễ mừng chiến thắng; Lễ đâm trâu; Lễ mừng lúa mới…. ; hay đã tái hiện không gian ngập tràn sắc màu của đồng bào Tày với cây đàn Tính Tẩu cùng điệu múa trầu uyển chuyển làm say lòng người.

Chị Ngân Thị Thanh, Xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, Gia Lai bày tỏ: “Đến đây thì đoàn tham gia biểu diễn 2 tiết mục là hát và múa Trầu, nét văn hóa đặc sắc của người Tày. Qua Ngày hội thì cũng mong muốn là tạo them tình doàn kết, gắt bó giữa các dân tộc trên quê hương thứ 2 của mình, để ngày càng phát triển hơn.”

Nghệ nhân Nay H’Lan, Xã Ia R’Bon, Thị xã Ayun Pa, Gia Lai.  chia sẻ: “Đoàn nghệ nhân Ayun Pa phục dựng lễ bỏ mả của người Jrai. Cùng với phần lễ tái hiện đúng truyền thống thì phần hội cả  nam và nữ đều đánh chiêng, múa xoang. Chúng tôi muốn giới thiệu đến du khách văn hóa đẹp của người Jrai để gìn giữ và huy hơn nữa trong thời gian tới.”

Dù thời gian không nhiều, nhưng ngày hội đã giúp người dân và du khách được hòa mình trong không gian lễ hội với tiếng cồng chiêng rộn rã, ngân vang; được trải nghiệm các hoạt động trình diễn nhạc cụ dân tộc; nghề thủ công truyền thống như: Đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng…. Qua đó biết thêm những đặc sản của núi rừng và những giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc trên Cao nguyên Gia Lai.

   Phát biểu bế mạc Ngày hội, Tỉnh ủy viên, GĐ Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Nhung nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên tỉnh Gia Lai tổ chức Ngày hội văn hóa theo hình thức mới, đưa sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trở về gần hơn với môi trường tự nhiên vốn có. Hi vọng khi trở về buôn làng, bà con sẽ tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê, lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc thêm đẹp, thêm hay.

Ông Trần Ngọc Nhung, Tỉnh ủy viên, GĐ Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai phát biểu:Tây Nguyên trong đó có Gia Lai là một vùng văn hóa đặc sắc. Chúng ta hãy cùng nhau giữ lấy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bởi, còn văn hóa là còn tắt cả; mất văn hóa sẽ mắt hết. Trên tinh thần đó, Ban tổ chức đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm đến các hoạt động văn hóa dân gian, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn mình quản lý.”

Tại Lễ bế mạc, Ban Tổ chức đã trao tặng các giải thưởng cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia Hội thi tranh tài ở các nội dung: Trình diễn cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ, đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng…. Qua đây, kịp thời động viên, khuyến khích người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết hơn về văn hóa, nghệ thuật; tạo sự đoàn kết thống nhất, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên../.

Kim Ngân – Minh Vũ – Viễn Khánh


Lượt xem: 39

Trả lời