An toàn phòng chống cháy chợ.

Cập nhật 04/10/2013, 14:10:04

Thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến các vụ cháy chợ ở nhiều địa phương trong cả nước. Đặc biệt, vụ cháy chợ thành phố Hải Dương thiêu rụi gần 500 tỷ đồng một lần nữa buộc chúng ta phải có sự nhìn nhận sâu sát, cụ thể hơn về công tác phòng chống cháy tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. 

 

Vào rạng sáng ngày 15/9, tại thành phố Hải Dương, ngôi chợ 3 tầng ngay tại trung tâm bốc cháy dữ dội. Sau 5h hoành hành, giặc lửa thiêu rụi ngôi chợ với thiệt hại ước khoảng 500 tỷ đồng, trong đó 400 tỷ đồng của tiểu thương và 100 tỷ đồng về cơ sở vật chất. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động đối với công tác phòng chống cháy tại chính các chợ, trung tâm thương mại nằm rải rác trong tỉnh. Qua trao đổi Thượng tá Đàm Văn Quang – Phó trưởng phòng cảnh sát PCCC&CNCH công an tỉnh nói: “Hiện nay việc đảm bảo cho phòng chống cháy ở các chợ vẫn còn rất nhiều bất cập. Thiết kế ban đầu một đường nhưng khi đi vào hoạt động lại khác, bà con cơi nới diện tích, sử dụng điện thắp sáng không đúng quy cách rất nguy hiểm nếu xảy ra tình trạng chạm chập điện…”.

Chợ là nơi tập hợp khá đông người dân đến để kinh doanh, mua bán, tập kết không ít tài sản, vật dụng giá trị. Nhưng rất nhiều tiểu thương đều mang tâm lí phó mặc việc phòng chống cháy cho ban quản lý chợ và chính ban quản lý chợ cũng chỉ dừng ở mức thành lập tổ phòng cháy, tuyên truyền, kiểm tra sơ bộ là chính.

Trả lời phóng viên ông Nguyễn Đình Mạnh – Ban quản lý chợ Trà Bá – TP.Pleiku cho biết: “Chúng tôi cũng rất chú trọng đến việc phòng chống cháy ở chợ. Ban bảo vệ kiêm đội phòng cháy, chữa cháy trực thường xuyên, tuyên truyền, nhắc nhở người dân buôn bán trong chợ không được sử dụng điện, lửa tuỳ tiện…”.

 Thực tế cho thấy, đa phần các chợ và kể cả trung tâm thương mại thành phố Pleiku đang bộc lộ nhiều bất cập trong công tác phòng chống cháy. Cụ thể nhất là hệ thống điện thắp sáng, sinh hoạt chưa quy củ, việc quản lý, sử dụng các thiết bị điện, lửa còn tuỳ tiện, cách bố trí, sắp xếp và khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy giữa các quầy, sạp quá hẹp. Cá biệt, không ít hộ cơi nới, làm mái che bằng tôn, lều, bạt…làm thay đổi kết cấu ban đầu của chợ và quan trọng hơn là che khuất tầm nhìn, cản trở phương tiện chữa cháy hoạt động khi có tình huống xảy ra.

Thượng tá Đàm Văn Quang – Phó trưởng phòng cảnh sát PCCC&CNCH công an tỉnh cho biết thêm: “Cháy chợ luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cả về tính mạng lẫn tài sản người dân. Để đảm bảo việc phòng chống cháy, từng ban quản lý chợ và nhất là tiểu thương buôn bán trong chợ cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác trước giặc lửa…”.

Trong khoảng chục năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 10 vụ cháy chợ lớn nhỏ. Cụ thể là trung tâm thương mại Pleiku từng xảy ra 2 vụ cháy trong chợ và 2 vụ cháy nhà liền kề trung tâm, các chợ ở huyện Krông Pa, Chư Sê, Phú Thiện, phường Hội Phú, Thắng Lợi…đều bị bà Hoả ghé thăm, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là chợ Phú Túc, Krông Pa gần 15 tỷ đồng. Đây thực sự là con số biết nói, rất đáng lưu tâm đối với từng ban quản lý chợ và bà con tiểu thương trong công tác phòng chống cháy./.

Thu Thuỷ-Đoàn Bình


Lượt xem: 52

Trả lời