An Khê thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để giảm nghèo

Cập nhật 27/10/2022, 15:10:50

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua nhiều nông dân trên địa bàn thị xã An Khê đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình  trồng trọt, chăn nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Gia đình ông Nguyễn Văn Châu, Tổ 4- phường An Bình- thị xã An Khê trước đây chỉ buôn bán nhỏ thu nhập không ổn định, được người quen giới thiệu, ông vào Long An làm thuê cho một cơ sở nuôi lươn không bùn. Nhận thấy nuôi lươn không bùn trong bể xi măng mang lại thu nhập cao, ông quyết định quay về An Khê để chuyển hướng phát triển kinh tế. Đầu tháng 5/2021, ông Châu đầu tư 40 triệu đồng làm 4 bể xi măng ốp gạch men, mỗi bể có diện tích 5 mét vuông, làm mái che toàn bộ khu vực bể nuôi và mua 13.000 con lươn giống với giá 39 triệu đồng về nuôi. Theo kinh nghiệm học hỏi được, ông dùng các chùm dây nhựa màu đen làm giá thể để lươn trú ẩn, che chắn ánh sáng vì lươn là loài ưa tối, sợ sáng. Mật độ nuôi thả 400-500 con/m2. Đối với lươn nhỏ nuôi dưới 3 tháng, ông dùng thức ăn là trùn quế, còn lươn đã lớn thì cho ăn cám công nghiệp có tỷ lệ đạm cao để lươn mau lớn. Thời gian nuôi lươn từ 10 tháng trở lên có thể cho thu hoạch. Tháng 5/2022, ông Châu đã xuất bán khoảng 40 kg lươn thịt với giá 180 nghìn đồng/kg, thu về 7,2 triệu đồng. Ông Châu ước tính từ 13.000 con giống đầu tiên cho sản lượng 2,6 tấn lươn thương phẩm, với giá bán như hiện tại, sau khi trừ chi phí đầu tư sẽ cho lãi khoảng 300 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, ông Châu tiếp tục đầu tư xây thêm 2 bể xi măng ốp gạch men và nhập thêm 16.000 con lươn giống về nuôi. Ông Châu nói: “Tôi mới nuôi lần đầu, đến nay cũng 1 năm tôi thấy rất hiệu quả và thành công. Điều cơ bản nhất để nuôi con lươn thì để cho nó phát triển tốt trước hết phải kiểm tra cái nguồn nước, thứ hai nữa là con giống. Kỹ thuật chăm sóc đã trải nghiệm qua thì môi trường nuôi lươn không bùn, lươn sạch này thì phải luôn luôn giải quyết vấn môi trường nước sạch để cho con lươn không bị mắc bệnh nhiều. Mô hình nuôi lươn thì diện tích nó hẹp, đơn giản theo số lượng mình nuôi bao nhiêu con giống, 5-10 mét vuông mình vẫn nuôi được, hai ba chục mét vuông vẫn nuôi được tùy theo con giống ít hay nhiều”.

Năm 2015, anh Thái Xuân Biên ở thôn An Thượng 3, xã Song An, thị xã An Khê bắt đầu  mở vườn ươm với diện tích 1,5 ha. Tuy nhiên công việc này gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường cung cấp xa, điều kiện vận chuyển, chi phí đầu vào cao. Từ đó, anh hình thành ý tưởng xây dựng mô hình nuôi cây cấy mô từ tế bào chồi keo, bạch đàn. Năm 2020, anh tham gia lớp đào tạo kỹ thuật nuôi cây cấy mô từ tế bào thực vật tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời mạnh dạn đầu tư thêm vốn mua máy móc hiện đại, cải tạo lại phòng thí nghiệm. Kết quả, sau một năm anh đã bán được 30 ngàn cây bạch đàn và 100 ngàn cây keo. Với giá bán bình quân khoảng 2.000 đồng/cây, sau khi trừ chi phí, anh thu về 120 triệu đồng. Hiện anh Biên đang ươm 2.000 hũ cây cấy mô (bình quân 30 cây/hũ), chủ yếu bán cho người dân ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi và một số huyện, thị xã trong tỉnh. Đây là mô hình nuôi cây cấy mô thành công đầu tiên tại thị xã An Khê, giải quyết được bài toán cung ứng cây cấy mô cho các vườn ươm trên địa bàn.

Anh Thái Xuân Biên – thôn An Thượng 3, xã Song An, thị xã An Khê cho biết: “Tôi đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua sắm thêm thiết bị, máy móc, xây mới 4 phòng chức năng với tổng diện tích 400m2, để nuôi cấy được cây mô đòi hỏi môi trường phòng thí nghiệm luôn sạch sẽ, tiệt trùng. Tôi thường xuyên theo dõi để điều chỉnh hàm lượng các chất trong môi trường nuôi nhằm tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển.”

Để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, thời gian tới thị xã An Khê sẽ chủ động nắm bắt tình hình để phát hiện các mô hình mới, cách làm hay, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững

Ông Nguyễn Hữu Hạnh – Chủ tịch Hội nông dân thị xã An Khê cho biết: “Thời gian tới, tiếp tục hội sẽ tuyên truyền, các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước đến hội các cấp để thực hiện nhận thức được việc sản xuất kinh doanh giỏi và giúp nhau giảm nghèo để thực hiện ngày càng tốt hơn. Hội sẽ hình thành và tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, cũng như các hoạt động kinh tế, tiếp cận nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Từ đó, phát triển và giúp công tác giảm nghèo ngày càng tốt hơn.”

Có thể nói, hiệu quả mang lại từ việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn ở thị xã An Khê đã tạo điều kiện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững./.

 Thế Huynh


Lượt xem: 18

Trả lời