Âm thanh của sắc màu

Cập nhật 29/6/2021, 17:06:18

Sinh ra không may mắn như bạn bè đồng trang lứa, cuộc sống của trẻ em khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm tâm hồn của các em vẫn luôn bừng cháy những ước mơ, khát vọng về một ngày mai tươi sáng. Với những em nhỏ khuyết tật không thể nghe được thanh âm cuộc sống, không nhìn rõ sắc màu, không nói ra được lời yêu thương và khát khao cháy bỏng… thì việc đến với hội họa như là một trong những cánh cửa mở ra chân trời mới, tiếp thêm nguồn sinh lực để dẫn dắt các em theo đuổi niềm đam mê là nuôi dưỡng niềm tin vào tương lai phía trước…

“Nỗi đau”, “Kiểm tra thân nhiệt tại chốt kiểm dịch”,“Kiểm tra y tế”, “Trong khu điều trị Covid-19”, “Đoàn tụ” … là loạt tranh vẽ về chủ đề dịch bệnh Covid-19 do các bạn nhỏ khiếm thính thể hiện trên chất liệu tranh khắc gỗ. Những chi tiết dứt khoát, với những mảng màu chói gắt đối lập đặt cạnh nhau đã làm nổi bật lên sức nóng, sự ngột ngạt của dịch bệnh đang đè nặng lên xã hội. Nhưng sau tất cả, các em vẫn giữ được tinh thần trong sáng, lạc quan gửi gắm qua những bức tranh nói lên khát vọng chiến thắng, thoát khỏi dịch Covid-19.

Em Đinh Ngọc Hoàng Mai – Phường Phù Đổng, TP. Pleiku chia sẻ: “Em xem tin tức thấy ở Ấn Độ nhiều người bị nhiễm Covid- 19 bị chết, mang đi hỏa thiêu. EM muốn vẽ lại bức tranh để mọi người thấy nỗi đau đó để mọi người nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid 19”.

Công ty TNHH Hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên tại địa chỉ hẻm 106 Lý Thường Kiệt, thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku hiện đang nuôi dạy 24 trẻ khuyết tật, gặp các vấn đề về phát triển như: khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ; trong số này có 14 em tham gia lớp học vẽ. Bên cạnh việc học giao tiếp, học kiến thức các em còn được học vẽ đều đặn 1 buổi 1 tuần.  Dù gặp các vấn đề về phát triển như: khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ nhưng đối với hội họa các em lại có niềm say mê đặc biệt. Mỗi một bức tranh là một câu chuyện, thế giới muôn màu, muôn sắc. Với những nét vẽ rất riêng mỗi đứa trẻ lại đang “vẽ” lên được tiếng nói của chính mình.

Cô Nguyễn Nguyên Bút – Giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Đak Đoa cho biết: “Xuất phát từ niềm đam mê hội họa của mình, và hoàn toàn tự nguyện nhưng sau đó khi dạy các bạn thì thấy khả năng về hội họa rất tốt. Nên mình muốn truyền đam mê cho các bạn. Muốn có thể định hướng nghề nghiệp cho các bạn”.

Trẻ khiếm thính, tự kỷ thường có thế giới quan khác biệt so với chuẩn thông thường, nhưng điều đó không có nghĩa các em không thể phát triển. Nhờ được trau dồi kỹ năng vẽ cùng với sự nỗ lực của bản thân, năm 2020, có 3 em nhỏ tại lớp học đã đạt 2 giải ba, 1 giải khuyến khích trong cuộc thi vẽ tranh “Thế giới xanh lơ” do Dự án Chăm sóc thông minh cho trẻ tự kỷ và Công ty cổ phần Tò he tổ chức trên phạm vi toàn quốc.

Bà Trần Diễm Trinh- Giám đốc Công ty TNHH Hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên  cho biết: “Niềm tin của mình là mỗi đứa trẻ là một thiên tài, trẻ nào cũng có tiềm năng đặc biệt vấn đề là mình phải phát hiện được tiềm năng. Mình đã cho các cháu trải nghiệm rất nhiều nghề như may, thêu… nhưng đến bây giờ mỹ thuật là phù hợp cho các cháu”.

Có thể những câu chuyện bằng tranh vẽ chưa hoàn hảo về kĩ thuật, song đó là cảm xúc chân thực, câu chuyện đơn sơ mà chứa đầy tình thương yêu, hạnh phúc và khát vọng cuộc sống, khát vọng vươn lên. Bằng cách này hay cách khác, xã hội vẫn đang tạo ra những sân chơi phù hợp như là cách tạo ra  cơ hội  cho những đứa trẻ thiếu may mắn cảm nhận được quyền bình đẳng, xua đi nỗi ám ảnh, mặc cảm về cơ thể.

Nhâm Dung, Xuân Huy


Lượt xem: 17

Trả lời