Kbang nỗ lực về đích nông thôn mới

Cập nhật 06/7/2019, 10:07:44

Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn huyện Kbang đã có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Hiện nay huyện đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu về đích NTM vào năm 2020.

Kbang có 13 xã, đến nay mới có 3 xã đạt chuẩn NTM. Để hoàn thành huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020, với 10 xã còn lại là áp lực rất lớn đối với huyện Kbang. Hiện nay, huyện đang tập trung nguồn lực để các xã từng bước hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, trong đó khó khăn nhất là hoàn thành các tiêu chí về xóa nhà tạm bợ, nâng cao thu nhập, giảm nghèo từ 11,8% hiện nay xuống còn dưới 7% vào năm 2020.

Ông Mã Văn Tình- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho biết: ‘Năm 2019, huyện tập trung đưa bình quân đạt 15 tiêu chí/xã . Về thu nhập mới đạt trên 29 tr/người, huyện tiếp tục phấn đấu nâng cao thu nhập. Song song với đó là tiêu chí về hộ nghèo mới đạt 11,98%. Tập trung các giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với giải pháp triển khai các mô hình liên kết đầu tư với các DN, trong đó có mắc ca, xả Java, tái canh cây cà phê. Đối với mía, mì thực hiện theo cánh đồng lớn để nâng cao năng suất cây trồng”.

Trước mắt, trong năm 2019, huyện phấn đấu có thêm một xã đạt chuẩn NTM là xã Sơn Lang, 9 xã còn lại sẽ hoàn thành vào năm 2020. Hiện tại Sơn Lang đạt 15/19 tiêu chí. 4 tiêu chí còn lại xã đang tập trung thực hiện, bao gồm: nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo và hệ thống tổ chức chính trị-xã hội. Trong đó, nhà ở dân cư có 39 hộ khó khăn về nhà ở, đến nay thông qua các nguồn vốn đã hỗ trợ cho 26 hộ khắc phục khó khăn về nhà ở. Các tiêu chí còn lại, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề giao nhiệm vụ cho cán bộ chủ chốt của xã theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện đối với từng tiêu chí.

Ông Lê Quý Truyền- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết, tập trung vào những cây ngắn ngày như chanh leo. Hiện nay chúng tôi cũng mới ký kết hợp đồng tiêu thụ cây chanh leo. Cùng với đó xây dựng các chuỗi liên kết các loại cây ăn quả, thực hiện tái canh cây cà phê. Phấn đấu sẽ đạt tiêu chí về thu nhập. Khi đạt tiêu chí này cũng sẽ đạt tiêu chí giảm nghèo”.

Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng đang định hướng cho người dân chăm sóc, phát triển cây trồng mũi nhọn nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Trong đó, mô hình trồng cây mắc ca xen canh với cây cà phê hoặc một số loại cây ăn trái đang được đánh giá là có nhiều triển vọng.

Bà Trương Thị Phước-Thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai chia sẻ: “Mô hình của gia đình là trồng vừa chanh dây, mắc ca , bơ và tiêu nữa gồm 2 ha. Lấy ngắn nuôi dài . Đối với cây mắc ca thì khả năng phát triển mạnh. So với các cây khác hiệu quả kinh tế rất cao. 1 cây mắc ca đến năm thứ 5, thứ 6 sẽ cho thu nhập 40-50kg/cây. Cây mắc ca, công chăm sóc, chi phí thấp nhưng hiệu quả kinh tế lại cao”.

Tương tự như các giải pháp thực hiện tại xã Sơn Lang, huyện Kbang cũng triển khai đồng bộ ở những địa phương còn lại. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là vốn đầu tư cho địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng nguồn lực để đầu tư cho phát triển. Khó khăn là vậy nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kbang đang quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2020.

 Hồng Uyên, Thanh Sáng


Lượt xem: 35

Trả lời