V.League giữa hai chiều thực – giả

Cập nhật 29/11/2017, 14:11:55

Đó là sự chân thực từ giọt nước mắt thắng thua của những cầu thủ trẻ Hà Nội, dấu hỏi từ “vai diễn” của Văn Quyết và sự hoài nghi đến từ chức vô địch của Quảng Nam…

Một giải đấu kết thúc mà khiến nhiều người hâm mộ vẫn còn trăn trở và không thấy vui dù nó đã hạ màn “kịch tính” theo cách nói của ban tổ chức cũng như nhiều người trong cuộc. Và thật đáng tiếc khi người ta chỉ có thể nhìn thấy điểm sáng ngày hạ màn V.League đến từ giọt nước mắt của “những đứa trẻ” nhà bầu Hiển.

V.League giữa hai chiều thực – giả - 1

Văn Quyết sau trận đấu với Than Quảng Ninh ở vòng đấu cuối cùng V.League 2017. Ảnh: Anh Tuấn.

Đấy là giọt nước mắt của Văn Hậu, Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Dũng… trên sân Cẩm Phả khi tiếng còi kết thúc trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Hà Nội vang lên với tỉ số 4-4. Kết quả khiến đội bóng Thủ đô mất chức vô địch. Đó là khoảnh khắc mà những người trẻ của Hà Nội mất đi danh hiệu đầu đời, mất đi chiếc Cúp mà lẽ ra họ được giương cao trong tư thế những người sắm vai chính chứ không phải là kép phụ như mùa trước.

Và tất cả đều thấy những giọt nước mắt ấy được oà ra một cách tự nhiên từ “những đứa trẻ” đối diện với câu chuyện thắng – thua trong bóng đá, cả trong cuộc đời. Nhìn hình ảnh những cầu thủ trẻ Hà Nội khóc nấc trong một buổi tối nghiệt ngã của cuộc chơi, không ai nghĩ đó là những giọt nước mắt giả dối. Bởi lẽ, họ còn quá trẻ để sắm một vai diễn trong sân khấu 4 mặt của bóng đá.

Thế nhưng, hình ảnh  một Văn Quyết với quá nhiều hành động “lạ” trong trận đấu quyết định chức vô địch với Than Quảng Ninh lại khiến tất cả phải đặt dấu hỏi. Ở trận đấu này, Quyết đã vào trận với tinh thần như thể anh là đội trưởng của Hà Nội (trận này Samson đeo băng thủ quân).

Trong nhiều tình huống, trọng tài Nathan Chan Rong De đưa ra quyết định không có lợi cho đội nhà, Quyết đều là người ý kiến quyết liệt nhất bất kể hợp lý hay không.

Còn trong tình huống đánh thẳng cùi chỏ vào mặt Nghiêm Xuân Tú thì người ta thấy Quyết “diễn” nhiều hơn là sự nôn nóng. Bởi đó là tình huống phi thể thao có chủ đích. Nhưng sau trận đấu, chính nạn nhân của pha giật chỏ Nghiêm Xuân Tú đã lên trang  facebook cá nhân thanh minh thay cho Văn Quyết.

Xuân Tú cũng khẳng định anh và Văn Quyết là bạn, rồi lý giải vì trận đấu căng thẳng mà bạn mình không giữ được bình tĩnh. Sau đó, trên một số trang mạng xã hội còn đăng tải hình ảnh hai cầu thủ này chụp ảnh trong một bữa tiệc rất thân mật.

Câu hỏi được đặt ra, trong một tình huống tranh chấp rất bình thường, Quyết có nhất thiết phải dùng hành động giật chỏ lộ liễu như thế với một người đồng nghiệp, một người bạn của mình? Là đội trưởng ĐTQG, chắc chắn Quyết ý thức được hành động phi thể thao này hơn ai hết. Và nếu theo lý giải của Xuân Tú, cùi chỏ của Quyết chưa chạm mặt, tức là Xuân Tú đã diễn?

Hình ảnh kết thúc trận đấu, Quyết cởi áo ngồi một góc sân gây sự chú ý của truyền thông và khán giả cũng khiến người ta đặt ra dấu hỏi? Quyết không khóc, và thứ cảm xúc buồn rầu mà anh tạo ra có thật như cách những người em mình khóc không?

Và rốt cuộc thì Quyết buồn vì đội mất chức vô địch hay thất vọng ở một cuộc chơi được “lập trình” hoặc vì một điều gì khác, không ai có thể dám chắc để đưa ra lời khẳng định. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng đó không phải là một vai diễn trong vở kịch đã được sắp sẵn.

Cuối cùng là chức vô địch gây tranh cãi của Quảng Nam. Đó là chức vô địch đặt trong sự hoài nghi của phần đông dư luận. Chiếc Cúp V.League khiến nhiều người nhớ lại mùa giải 2012. Đó là mùa giải cuộc đua vô địch được quyết định trong tay Hà Nội (lúc đó là Hà Nội T&T) ở vòng cuối cùng. Và đội bóng Thủ đô đã chơi “tử thủ”, cầm chân Sài Gòn Xuân Thành 0-0 để Đà Nẵng lên ngôi với chiến thắng 3-1 trước Ninh Bình.

HLV Lê Thụy Hải đã thẳng thắn cho rằng, đoạn kết V.League không kịch tính như những gì diễn ra. Bởi vì có tới 3,4 đội một ông chủ thì dù có muốn sòng phẳng, vô tư nhưng vẫn không tránh khỏi có điều gì đó gợn ở trong, kém đi sự thuyết phục.

Và chính Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng cũng thừa nhận rằng: “Bóng đá cần nhà tài trợ và việc một doanh nghiệp có thể tài trợ cho các CLB khác nhau thì không thể cấm được”. Ông cũng đưa ra quan điểm rằng, chẳng ông chủ nào lại can thiệp vào thành tích các đội bóng. Thế nhưng khi các đội bóng lại đang đá phần nhiều vì ông chủ, vì nồi cơm của gia đình họ thì ai là người kiểm soát sự minh bạch?

Và điều khiến người ta lo lắng chính là giọt nước mắt của “những đứa trẻ” Hà Nội lại được đặt trong một xã hội bóng đá quá nhiều cám dỗ. Một môi trường V.League với những điều thật – giả, hoài nghi mà đôi khi những người trong cuộc cũng không có nhu cầu giải thích.

24h.


Lượt xem: 31

Trả lời