Ủng hộ việc bắt tay chống độc quyền

Cập nhật 10/1/2016, 06:01:50

Sau bài viết “Có khả năng bóng đá Anh sẽ chia tay thị trường VN” (Tuổi Trẻ 6-1), khá nhiều ý kiến phản hồi đã gửi đến Tuổi Trẻ. 

Người hâm mộ bóng đá xem một trận đấu ở Giải ngoại hạng Anh trên kênh K+ tại một quán cà phê ở Q.10, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Người hâm mộ bóng đá xem một trận đấu ở Giải ngoại hạng Anh trên kênh K+ tại một quán cà phê ở Q.10, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Trong đó nhiều ý kiến ủng hộ cách làm của VNPayTV trong việc đàm phán mua bản quyền EPL 2016 – 2019, nhưng cũng có ý kiến nên để việc mua bản quyền này thực theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn con đường khác trong việc đưa truyền hình bóng đá đến người hâm mộ…  Tuổi Trẻ ghi nhận những ý kiến về vấn đề này.

Chúng ta đang có lợi thế, nếu MP&Silva không trả lời, không chủ động đàm phán, chúng tôi cũng sẽ ngồi im

Ông NGUYỄN VĂN TẤN (phó tổng giám đốc Tổng công ty truyền thông VNPT – Media)

* Ông Nguyễn Văn Tấn
(phó tổng giám đốc Tổng công ty truyền thông VNPT – Media):

Người hâm mộ nên
ủng hộ cách tiếp cận của VNPayTV

Theo tôi, về nguyên tắc, sự can thiệp của Nhà nước vào việc mua bản quyền EPL là rất nên. Có ý kiến cho rằng nên để việc mua bán EPL theo thị trường cũng là một quan điểm kinh doanh. Việc này cho phép người có hàng có quyền bán, người có nhu cầu có quyền mua. Nhưng nếu cứ theo đuổi mua bằng mọi giá là điều không tốt bởi doanh nghiệp mua hàng thì phải bán, khi đã bán thì phải bán giá cao hơn giá mua, càng cao càng tốt để đem lại lợi nhuận.

Vì lẽ đó, người bán sẽ dùng đủ chiêu trò như xé lẻ ra các gói bản quyền để bán, bán độc quyền, bán cho nhiều đơn vị. Khi các đơn vị đã phải mua giá cao từ đối tác nước ngoài thì buộc phải tăng giá thuê bao để bù chi phí. Tất cả những chi phí tăng lên cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Khi các doanh nghiệp cạnh tranh như vậy, việc bị ép giá, mua với giá bao nhiêu không ai có thể kiểm soát được.

Vì vậy, tôi ủng hộ cách làm các đơn vị trong nước ngồi lại, cùng bàn bạc với nhau để mua được bản quyền EPL với giá tốt nhất. Cách tiếp cận vấn đề của Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN (VNPayTV) thời gian qua theo tôi là những bước đi đúng luật và vì quyền lợi của doanh nghiệp, đất nước, nhân dân.

Đối với MP&Silva – đơn vị đang nắm bản quyền EPL 2016 – 2019 tại VN, tôi cho rằng chính họ mới là người lo chứ không phải người mua chúng tôi. Theo nghiên cứu, dưới 5% thuê bao truyền hình trả tiền có nhu cầu xem EPL. Vì vậy nếu không thuận lợi, các nhà đài cũng không nhất thiết phải mua EPL. Chỉ có người bán hàng đã mua món hàng 80 – 90 triệu USD mà không bán được hàng mới chết vì không chịu nổi áp lực tài chính. Chúng ta đang có lợi thế, nếu MP&Silva không trả lời, không chủ động đàm phán, chúng tôi cũng sẽ ngồi im.

* Ông Hoàng Ngọc Huấn (tổng giám đốc VTVcab):

Không nên mua độc quyền

Với VTVcab, những mùa giải vừa qua chúng tôi vẫn mua bản quyền EPL gói cơ bản, không độc quyền bởi VTVcab không dành quá nhiều tiền cho EPL. Thay vào đó, VTVcab đẩy mạnh sản xuất chương trình, nâng chất lượng dịch vụ khách hàng. Vì vậy, dù không độc quyền EPL nhưng VTVcab vẫn kinh doanh tốt, thuê bao không ngừng tăng. Trong báo cáo tổng kết cuối năm 2015, hiện VTVcab đã nâng số thuê bao lên con số 2,6 triệu.

Về bản quyền EPL 2016 – 2019, VTVcab là thành viên của VNPayTV và tham gia ban đàm phán do hiệp hội đứng đầu. Quan điểm của chúng tôi là không mua độc quyền. Nếu việc mua bản quyền truyền hình EPL có sự can thiệp của Nhà nước làm cho giá cả hợp lý, quyền lợi của doanh nghiệp truyền hình trả tiền và thuê bao tốt hơn thì VTVcab rất ủng hộ.

* Ông Trần Song Hải (Hội CĐV bóng đá VN):

Nên vì lợi ích của
cộng đồng

Thời gian qua Bộ Thông tin – truyền thông đã có những chỉ đạo rất đúng khi yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền phải đoàn kết, tiết kiệm, vì lợi ích chung của cộng đồng khi mua bản quyền EPL. Thực tế cho thấy sáu mùa bóng vừa qua, giá bản quyền EPL tăng phi mã đã gây nhiều bức xúc. Ngoại tệ của xã hội lại đổ vào túi các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh bản quyền vì các đơn vị trong nước tranh mua, tranh bán để độc quyền. Tôi cho rằng các doanh nghiệp truyền hình trả tiền đừng nên tiếp tục làm giàu cho đối tác nước ngoài vì sự mất đoàn kết nữa mà phải hợp sức lại như cách mà VNPayTV và ban đàm phán đang thực hiện.

* Nhà báo Phạm Tấn (báo Thể Thao & Văn Hóa):

Không nên đi ngược lại xu hướng thế giới

Với chuyện các đài truyền hình trả tiền mua bản quyền EPL, theo tôi, chúng ta cần phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tôn trọng yếu tố thị trường. Nhưng chuyện nhà đài nào cũng mua bản quyền EPL có lẽ là sự lãng phí, trong khi việc phát chéo nội dung (như đã diễn ra hiện nay) giải quyết được vấn đề số đông cùng tiếp cận với EPL.

Thị trường luôn có các phân khúc khách hàng riêng rẽ. Ở nhiều quốc gia hiện nay bản quyền EPL thường thuộc về một kênh và kênh này được phát trên hầu hết các hệ thống cung cấp truyền hình trả tiền như NBC ở Mỹ chẳng hạn. Vì vậy, chúng ta không nên đi ngược lại xu hướng của thế giới.

Bài học Trung Quốc

Theo tờ Daily Mail (Anh), bản quyền truyền hình EPL nước ngoài giai đoạn 2016 – 2019 sắp sửa được hoàn tất với việc hầu như các thị trường lớn đều đã chốt giá. Ước tính con số này sẽ lên đến khoảng 3,2 tỉ bảng Anh, tăng 1 tỉ bảng Anh so với giai đoạn 2013 – 2016.

Trong số 3,2 tỉ bảng này, châu Á đóng góp nhiều nhất với gói bản quyền trị giá ước tính vào khoảng 1,26 tỉ bảng. Nơi trả tiền nhiều nhất cho bản quyền EPL ở châu Á là Hong Kong với gói bản quyền trị giá đến 263 triệu bảng (87,7 triệu bảng/mùa).

Đáng nói, Trung Quốc – một trong những quốc gia có lượng người hâm mộ bóng đá Anh đông đảo nhất thế giới – lại chỉ phải trả có 10,7 triệu bảng/mùa cho bản quyền EPL. Điều này đến từ sự đoàn kết trong việc kiên quyết “nói không” với sự tăng giá bản quyền EPL của các nhà đài Trung Quốc.

Cụ thể, CCTV – kênh truyền hình hùng mạnh nhất của Trung Quốc – cùng các kênh truyền hình khác chia nhau trả tiền cho SSM – công ty truyền thông sở hữu bản quyền EPL nơi đây – để phát sóng lẻ các trận đấu. Với việc các nhà đài Trung Quốc kiên quyết ép giá, Premier League cũng chẳng thể “làm giá” được với SSM và đơn vị này ký một hợp đồng hết sức đặc biệt: họ mua gói bản quyền EPL trong sáu năm từ năm 2013 với giá 10,7 triệu bảng/mùa. Vì vậy, Trung Quốc hoàn toàn đứng ngoài cuộc chiến mặc cả bản quyền bóng đá Anh thời gian qua.

Theo tuổi trẻ online


Lượt xem: 93

Trả lời